Đánh giá về chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Anh

05:30' - 14/02/2018
BNEWS Chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Thủ tướng Anh Theresa May hướng tới mục tiêu tăng cường cái gọi là “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ song phương.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, theo phân tích của tờ Financial Times, sự đón tiếp dành cho Thủ tướng Theresa May, những thỏa thuận bà đạt được và kết quả của chuyến thăm này lại cho thấy sắc màu của thứ kim loại ít lấp lánh hay ít giá trị hơn.

Ông Kerry Brown, Giáo sư về chính trị Trung Quốc thuộc trường Đại học King’s College ở thủ đô London, đưa ra đánh giá rằng sau những kỳ vọng được thổi phồng về một "kỷ nguyên vàng", bước tiếp cận của bà May có thể thực tế và khôn ngoan hơn. Nhìn tổng thể, ông cho rằng Anh và Trung Quốc thực tế đang trong “kỷ nguyên đồng”.

Trở lại năm 2015 khi cụm từ “kỷ nguyên vàng” bắt đầu được đề cập, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi trên cỗ xe thiếp vàng vào Cung điện Buckingham, phát biểu trước Quốc hội, đến một quán rượu với cựu Thủ tướng Anh David Cameron và đưa ra cam kết về các thỏa thuận song phương trị giá 40 tỷ bảng Anh.

Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, bà May có vẻ thực tế hơn. Bà có bài phát biểu dài 10 phút tại một diễn đàn doanh nghiệp ở Thượng Hải, đạt được cam kết về các thỏa thuận trị giá 9 tỷ bảng Anh và được kênh truyền hình quốc gia của Trung Quốc gọi là “Dì May”.

Tuy nhiên, đằng sau đó, các quan chức Trung Quốc thừa nhận việc họ cho rằng chuyến thăm của bà May là đáng thất vọng, nhất là sau khi bà khước từ việc trở thành vị lãnh đạo G7 đầu tiên ký một văn bản ủng hộ sáng kiến của ông Tập Cận Bình mang tên “Vành đai và Con đường” (BRI), bất chấp những sức ép lớn từ Bắc Kinh.

Chính phủ Pháp và Đức cũng giữ quan điểm tương tự Chính phủ Anh về chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng này. Sáng kiến này hiện gây chia rẽ lớn giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU), có ít nhất 6 nước thành viên EU ở khu vực Trung và Đông Âu đã chính thức phê chuẩn dự án này.

Các quan chức Chính phủ Anh và Trung Quốc đã công khai từ chối thừa nhận sự bất đồng ở hậu trường. Trong các cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, bà May cho biết chính phủ hai nước sẽ cùng phối hợp để đảm bảo dự án BRI đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Sự lãnh đạm của bà May đối với các dự án tâm huyết của ông Tập Cận Bình dường như trái ngược với sự nhiệt tình của cựu Thủ tướng David Cameron và cựu Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, người đã đưa Anh trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) hồi năm 2015, động thái vấp phải sự phản đối của Mỹ, mở đường cho tuyên bố “Kỷ nguyên vàng” Anh-Trung sau đó.

Trái ngược với quan điểm coi Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao quốc tế dưới thời cựu Thủ tướng Cameron, chuyến thăm Trung Quốc trong ba ngày của bà May có phần hạn chế.

Cui Hongjian, chuyên gia về các vấn đề châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho rằng Chính phủ Thủ tướng May hiện ở vị thế tương đối yếu. Vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU) hiện chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, bà May không có bài phát biểu chính sách ngoại giao lớn nào, một sự bỏ sót đáng kể nếu xét đến nỗ lực của bà trong việc đưa nước Anh trở thành một “nước Anh toàn cầu” hậu Brexit như bà mong muốn.

Bà May cũng thông báo việc tiến hành đánh giá tình hình đầu tư và thương mại nhằm dỡ bỏ các rào cản. Bà May nhấn mạnh rằng Anh và Trung Quốc đang mở ra một chương mới trong kỷ nguyên vàng của hai nước. Bà nói: "Đây là một tương lai làm tôi cảm thấy hào hứng".

Mặc dù cuộc hội đàm giữa bà May và ông Tập Cận Bình kéo dài ba tiếng, trong đó thảo luận nhiều vấn đề, từ thương mại đến vấn đề Triều Tiên, song việc thiếu đáng kể thông tin khiến giới truyền thông chủ yếu tập trung vào lễ thưởng trà giữa bà May và ông Tập Cận Bình. Trong ba ngày thăm Trung Quốc, bà May cũng chỉ có một cuộc họp báo với các đối tác Trung Quốc.

Đoàn doanh nghiệp tháp tùng bà May cho biết họ hài lòng với kết quả chuyến thăm, với việc hai bên nhất trí cơ chế đánh giá mới về quan hệ thương mại song phương trong tương lai.

Trong khi đó, theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, bà May đã nêu lên một số vấn đề gây khó xử như bán phá giá thép, Hong Kong và vấn đề nhân quyền trong cuộc họp chính thức. Phía Anh khẳng định các thỏa thuận thương mại và đầu tư trị giá 9 tỷ bảng Anh đã được nhất trí trong chuyến thăm và các thỏa thuận này có thể tạo ra tối thiểu 2.500 việc làm mới tại Anh.

Tuy nhiên, chi tiết của các thỏa thuận đầu tư này chưa được làm rõ, vì thế cũng khó có thể xác định liệu một số thỏa thuận trong số này có phải mới chỉ là những lời hứa hẹn hay không.

Thực tế hiện nay cho thấy ngay cả đối với những dự án đầu tư mà Trung Quốc đã cam kết thực hiện tại Anh thì đến thời điểm này, nhiều dự án vẫn đang “chờ” vốn đầu tư được giải ngân. Tiêu biểu là dự án xây dựng Trung tâm thương mại quốc tế trị giá 175 triệu bảng Anh ở Wirral bên bờ sông Mersey được Trung Quốc cam kết tại Triển lãm Shanghai Expo năm 2010 đã âm thầm “đắp chiếu”.

Tập đoàn Canary Wharf Group của Anh cho biết họ sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở Hùng An, một dự án phát triển tâm huyết của ông Tập Cận Bình nằm cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 50 km về phía Nam. Bất chấp bầu không khí chính trị, các dòng vốn đầu tư và thương mại giữa Anh và Trung Quốc tăng ổn định trong những năm gần đây, cho dù quan hệ song phương "lúc nóng, khi lạnh".

Số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho biết kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trên 6% trong năm 2017, lên 79 tỷ USD. Xuất khẩu ô tô của Anh sang thị trường ô tô lớn nhất thế giới này năm 2017 tăng 15%, đạt hơn 100.000 chiếc. Các dòng vốn đầu tư phi tài chính khá cân bằng với giá trị các khoản đầu tư mỗi chiều khoảng 1,5 tỷ USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục