Dành 2 tháng lấy ý kiến dự thảo chương trình môn học của giáo dục phổ thông mới

20:03' - 19/01/2018
BNEWS Ngày 19/1, họp báo công bố thông tin về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Quang cảnh buổi họp báo công bố thông tin về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Ngày 19/1, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ và Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết chủ trì họp báo, công bố thông tin về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngay trong ngày 19/1/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới trên trang thông tin điện tử tại địa chỉ https://moet.gov.vn để đông đảo quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến trong 2 tháng.

Dự kiến tháng 4/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới. Về hình thức thi Trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ được giữ ổn định như hiện nay đến năm 2020.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nêu rõ: Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới là sản phẩm được nghiên cứu từ lâu, tiếp nhận các góp ý, tiếp thu có chọn lọc, nhấn mạnh mục tiêu tạo chuyển biến căn bản toàn diện giáo dục phổ thông, định hướng nghề nghiệp cho người học.

Chương trình này góp phần chuyển giáo dục đào tạo từ giáo dục nặng về kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học…Chương trình phổ thông mới được xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương.

Ngày 27/7/2017, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Căn cứ từ đó, Ban Phát triển các chương trình môn học đã xây dựng dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học.

Giáo sư,Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh: Chương trình giáo dục phổ thông mới có 20 môn, hoạt động giáo dục. Trong đó, có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như: Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp...

Chương trình mới có 4 đặc điểm. Đầu tiên, chương trình môn học gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể (mức độ biểu hiện cụ thể của năng lực cần hướng tới). Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh. Chương trình mới thực hiện tích hợp các môn và liên môn.

Một số môn học tích hợp mới được đề cập là: Lịch sử và Địa lý (cấp Trung học Cơ sở), Khoa học (cấp Tiểu học), Khoa học Tự nhiên (Trung học Cơ sở), Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.Ngoài ra có một số môn học, hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học…

Các chương trình đều áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động. Học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ chiếm lĩnh lý thuyết môn học, rèn luyện các kỹ năng phù hợp lứa tuổi, trình độ mỗi lớp.

Các môn học theo chương trình mới sẽ được phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn. Ở cấp Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).

Ở cấp Trung học Cơ sở các môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ở cấp Trung học Phổ thông các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học lựa chọn: theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Trước đó, dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được các Vụ, Cục có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, giảng viên trường sư phạm, giáo viên cốt cán tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đại diện cho đội ngũ giáo viên trên phạm vi cả nước góp ý…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục