Đằng sau quyết định "Mỹ tiến" của Toyota và Mazda

06:30' - 18/08/2017
BNEWS Hai tập đoàn ô tô của Nhật Bản là Toyota và Mazda đã tuyên bố kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất ô tô mới tại Mỹ trị giá 1,6 tỷ USD, tạo ra khoảng 4.000 việc làm cho Mỹ.
Đằng sau quyết định "Mỹ tiến" của Toyota và Mazda. Ảnh: Reuters

Tờ Politico và USA Today gần đây đăng một số bài phân tích về nguyên nhân thực sự đằng sau quyết định này.

Trước hết, đây là tác động từ chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kế hoạch trên được ca ngợi là một chiến thắng cho những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy sản xuất ô tô nhiều hơn tại Mỹ.

Ông Trump từng chỉ trích Toyota và những công ty ô tô khác bán ô tô sản xuất ở nước khác cho khách hàng Mỹ. Ông viết trên Twitter về Toyota hồi tháng 1/2017 là "xây dựng nhà máy ở Mỹ hoặc phải chịu thuế nhập khẩu cao".

Ông Trump đã cam kết mang công việc sản xuất về cho nước Mỹ thông qua tái đàm phán Hiệp định thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và cam kết áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trong đó, một vấn đề ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của Chính quyền Trump tại đàm phán NAFTA là thắt chặt các quy định về sản xuất ô tô nhằm đảm bảo các công ty ô tô và nhà sản xuất phụ tùng ô tô Bắc Mỹ nhận được nhiều lợi nhuận hơn so với các nhà cung cấp đến từ châu Á hoặc châu Âu.

Các hiệp hội như Liên đoàn công nhân ô tô (United Auto Workers) và Liên đoàn công nhân thép (United Steelworkers) ủng hộ mạnh mẽ sự thay đổi này, nhưng các nhà sản xuất ô tô Mỹ và các doanh nghiệp nước ngoài đang sản xuất ô tô tại Mỹ đều phản đối, do lo ngại điều này sẽ tác động đến chuỗi cung ứng và làm tăng chi phí sản xuất.

Bà Caroline Freund, chuyên gia về kinh tế quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Peterson, cho rằng chỉ có mối lo ngại đó thì khó mà thuyết phục Toyota và Mazda rằng họ cần phải xây dựng một cơ sở sản xuất ô tô mới tại Mỹ.

Thực chất, quyết định của hai hãng xe ô tô này sẽ mang đến thiện chí và tầm ảnh hưởng đối với Chính quyền Trump cũng như những tác động đối với chương trình nghị sự thương mại của Mỹ.

Mặt khác, quyết định xây dựng nhà máy sản xuất ô tô mới tại Mỹ là để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về công nghệ và khí đốt. Bên cạnh việc cùng sản xuất xe, Toyota và Mazda cũng thống nhất hợp tác phát triển công nghệ dành cho ô tô điện và ô tô tự lái.

Về lĩnh vực này, việc xây dựng nhà máy tại Mỹ để có thể tiếp cận với các công ty kỹ thuật cao là điều có thể hiểu được.

Toyota hiện có 10 nhà máy tại 8 bang của Mỹ, đã có tiếng trong việc tạo ra việc làm cho người Mỹ. Công ty này cũng khẳng định rằng việc xây dựng nhà máy không có liên quan gì tới chính trị.

Ông Akio Toyoda, Chủ tịch tập đoàn Toyota, cho biết lý do chính để công ty đầu tư tại Mỹ là vì điều đó đem lại lợi ích về kinh tế. Ông khẳng định Toyota luôn tìm cách đẩy mạnh sản xuất của Mỹ dù tình hình chính trị tại đây thế nào.

Về phía Mazda, đây là cơ hội tạo nên sự hiện diện lần đầu tiên của sản phẩm Mỹ kể từ sau năm 2012 khi họ chấm dứt sản xuất xe ô tô với hãng Ford.

Một động lực nữa khiến Toyota và Mazda hợp tác sản xuất xe ô tô tại Mỹ là vì các tiêu chuẩn về khí đốt cao hơn mà theo đó, nền công nghiệp sản xuất xe phải đạt mức trung bình ít nhất 54,5 dặm/galông vào năm 2025. Có một quy định đánh giá mức độ hiệu quả về khí đốt đối với xe ô tô sản xuất tại Mỹ khác với những xe ô tô nhập khẩu.

Bà Kristin Dziczek, Giám đốc nhóm phụ trách về công nghiệp, lao động và kinh tế thuộc Trung tâm nghiên cứu ô tô (CAR) tại thành phố Ann Arbo, bang Michigan, cho rằng chế tạo xe ô tô điện tại Mỹ có thể giúp Toyota và Mazda đáp ứng cả tiêu chuẩn về khí đốt của Mỹ đối với xe nội địa và cả tiêu chuẩn cao hơn của bang California.

Tuy nhiên, việc ông Trump đe dọa áp thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu đã gây nên mối lo ngại đối với nền công nghiệp ô tô Mỹ và điều này sẽ khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất bên ngoài nước Mỹ bởi mức thuế mới có thể khiến chi phí sản xuất gia tăng.

Toyota tuyên bố sẽ sản xuất xe ô tô mui kín Corolla tại Mỹ thay vì ở Mexico như dự định trước đây. Tuy nhiên, Tokyo khẳng định tiếp tục kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mexico để phát triển dòng xe bán tải cỡ trung Tacoma.

Sản xuất xe tại Mexico luôn mang lại lợi thế vì quốc gia này có quyền tiếp cận phi thuế quan với nhiều thị trường nước ngoài thông qua hàng loạt các thỏa thuận tự do thương mại. 

Trong khi đó, Mazda tuyên bố sản xuất dòng xe crossover tại nhà máy sản xuất mới để bán ở Bắc Mỹ. Hiện tại, tất cả các xe Mazda bán ở Mỹ đều được sản xuất ở nước khác.

Trong vài tuần gần đây, Quốc hội Mỹ đã từ chối những kế hoạch điều chỉnh thuế mà có thể làm gia tăng giá thành của các loại ô tô nhập khẩu.

Nhưng đảng Cộng hòa vẫn đang thúc đẩy cải cách thuế và vẫn chưa thể biết kết quả của quá trình này thế nào, liệu có thể có tác động đến quyết định của Toyota và Mazda trong kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mỹ hay không.

Bên cạnh đó, Toyota và các hãng xe khác đều phản đối việc thay đổi nội dung NAFTA của Chính quyền Trump. Sự liên kết giữa hai tập đoàn lớn này có thể mở đường cho một thỏa thuận lớn hơn, bao gồm cả việc Toyota có thể tiến tới sát nhập Mazda.

Toyota hiện đang có 5% cổ phần của Mazda, trong khi Mazda sở hữu 0,25% cổ phần của Toyota. Chuyên gia Michelle Krebs thuộc công ty mua bán xe qua mạng Autotrader.com cho rằng Toyota và Mazda đang phối hợp ngày càng thân thiết hơn, vì vậy, không ngạc nhiên khi họ có một nhà máy chung và Mazda cũng đang tìm kiếm cơ hội sản xuất tại Mỹ.

Đến nay, hai tập đoàn này chưa tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy mới ở đâu và điều này đang tạo nên một cuộc chiến ngầm giữa các bang vốn đang rất cần việc làm và thu nhập, trong bối cảnh nhu cầu ô tô ở Mỹ có vẻ như đã bình ổn và có khả năng bắt đầu suy giảm dài hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục