Đặc phái viên Mỹ kêu gọi giải pháp ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên

13:41' - 15/12/2017
BNEWS Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Joseph Yun cho biết Mỹ cần có giải pháp ngoại giao trực tiếp với Bình Nhưỡng bên cạnh các lệnh trừng phạt được áp đặt.

Phát biểu với báo giới tại Bangkok, Thái Lan, ông Joseph Yun nêu rõ Mỹ cần áp dụng giải pháp ngoại giao trực tiếp song song với các biện pháp trừng phạt.

Ông nhấn mạnh chính sách của Mỹ dựa trên sức ép và ràng buộc, và Washington muốn tạo áp lực đồng thời cùng với giải pháp ngoại giao.

Ông Yun có chuyến thăm Nhật Bản và Thái Lan trong tuần này nhằm thảo luận biện pháp gây sức ép với Triều Tiên sau vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của nước này.

Tuyên bố của Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh Washingtơn vừa phát đi những thông điệp trái ngược nhau trong vấn đề giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ngày 11/12, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Mỹ sẵn sàng đàm phán bất kì lúc nào Triều Tiên muốn đối thoại và sẵn sàng có cuộc gặp đầu tiên mà không có bất kì điều kiện tiên quyết nào, ám chỉ không cần việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un khẳng định sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân.

Tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã được nhiều nhà phân tích xem là dấu hiệu về một sự chuyển hướng trong chính sách nhất quán của Mỹ với Triều Tiên.

Tuy nhiên, ngày 13/12, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tuyên bố chính sách của nước này đối với Triều Tiên "không hề thay đổi", trong khi Nhà Trắng cũng khẳng định Washington sẽ không đàm phán với Bình Nhưỡng trừ phi nước này thay đổi cách hành xử của mình.

Theo nhận định của 2 chuyên gia là các cựu quan chức chính phủ Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thiếu một chiến lược đối với Triều Tiên bất chấp thách thức ngày càng gia tăng liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Những chuyên gia này chỉ rõ rằng Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đang đưa ra những "thông điệp không thống nhất" về ý định đàm phán với Bình Nhưỡng.

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao của nhóm cố vấn chính sách Quỹ Di sản (Mỹ), ông Bruce Klingner (Bru-xơ Clin-nơ), cho rằng mức độ mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Mỹ vượt quá "những bất đồng cơ chế thông thường" trong bất kỳ chính quyền nào.

Trong khi đó, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), bà Sue Mi Terry, cho rằng trong bối cảnh Triều Tiên sắp sở hữu tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công bất kỳ nơi nào trên nước Mỹ, việc phối hợp chính sách quan trọng hơn bao giờ hết.

>>>TTK LHQ nhấn mạnh thực thi các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục