Cuộc “Chiến tranh lạnh mới” giữa phương Tây và Nga

05:55' - 27/12/2017
BNEWS Theo báo Gazeta.ru (Nga), ngày 15/12, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc với các nội dung thảo luận liên quan đến vấn đề di cư và Brexit cũng như gia hạn lệnh trừng phạt Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một quan chức cấp cao của EU, mối quan hệ EU-Moskva đã ổn định dù vẫn đang ở mức thấp, lý do là cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, Brussels sẽ bắt đầu gây sức ép đối với Ukraine nếu nhận được các tín hiệu từ phía Nga.

Trong bối cảnh “sự ổn định ở mức độ thấp” này, kim ngạch thương mại song phương đã gia tăng. Trong năm 2017, kim ngạch thương mại đã tăng 25%. Bất chấp các lệnh cấm vận, Brussels vẫn luôn cho rằng EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Hội nghị Thượng đỉnh EU kết thúc mà không mang đến điều bất ngờ đặc biệt nào đối với Nga. Như dự kiến, các biện pháp trừng phạt chống Nga được quyết định gia hạn tới ngày 31/7/2018 và các đại diện thường trực hoàn thiện các thủ tục trong tuần tới.

Ngoài các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga, những hạn chế chống lại một loạt quan chức và quân đội Nga cũng sẽ có hiệu lực tối thiểu đến giữa năm 2018.

Mặc dù phần lớn các biện pháp trừng phạt đều có liên quan đến vấn đề Crimea, song chính sách đối ngoại của châu Âu cũng cho thấy các biện pháp trừng phạt trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Một nguồn tin đáng tin cậy từ châu Âu trao đổi với các phóng viên Nga đã trích dẫn một ví dụ tích cực về lời đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin xung quanh vấn đề trao đổi tù nhân. Cả Moskva lẫn các quốc gia thành viên EU đều đang chờ đợi những bước đi tích cực mà không quan tâm tới các hành động của Chính quyền Kiev.

Theo nguồn tin từ EU, điều này là tín hiệu đối với Ukraine và gây áp lực buộc nước này phải thực hiện phần trách nhiệm của họ trong Thỏa thuận Minsk. Brussels cũng hiểu rằng Kiev phải chịu trách nhiệm về việc Thỏa thuận Minsk-2 vẫn chưa được thực thi.

Đồng thời, châu Âu cũng tiếp tục cho rằng Ukraine là “nạn nhân của sự xâm lược” của Nga, dù Moskva đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc có liên quan đến sự leo thang tình hình phức tạp ở miền Đông quốc gia láng giềng này. Trong chính sách đối ngoại, EU khẳng định rằng quân đội Nga đang có mặt ở khu vực xung đột ở Donbass, cho dù họ không cung cấp được các bằng chứng cụ thể về cáo buộc đó.

Trong các cuộc gặp, các nhà ngoại giao của cả Nga lẫn châu Âu đều tỏ ra mệt mỏi vì phải cáo buộc lẫn nhau. Họ không còn đề cập đến chủ đề này nữa mà thảo luận về những chủ đề cấp bách hơn.

Mặc dù đang diễn ra “cuộc Chiến tranh Lạnh mới” giữa phương Tây và Nga, song đối thoại giữa Moskva và Brussels vẫn đang diễn ra khá tích cực. Các nhà ngoại giao của cả hai bên đều hiểu rằng tuy các chủ đề cơ bản cho tới nay vẫn chưa giải quyết được, nhưng đối thoại là điều cần thiết. 

Nguồn tin cao cấp trong giới ngoại giao châu Âu nhận định điều quan trọng hiện nay cần đạt được là “cả hai bên phải ngừng cáo buộc lẫn nhau”.

Sergey Utkin - người phụ trách đánh giá chiến lược thuộc Trung tâm phân tích tình hình thuộc Viện Kinh tế và Chính trị Quốc tế IMEMO thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga - nhận định mặc dù khó có thể chờ đợi một số tiến bộ đáng kể trong quan hệ giữa Nga và EU, song nếu có thể ngăn chặn được sự xuống cấp hơn nữa của mối quan hệ này thì cũng có thể coi là “một kết quả không hề tồi”.

Tại cuộc họp báo lớn thường niên ngày 14/12 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố Nga không phản đối việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình trên toàn lãnh thổ Donbass. Tuy nhiên, ông Putin cũng cho biết Kiev cần phải đàm phán trực tiếp với lãnh đạo các vùng tự trị Lugansk và Donetsk.

Chính quyền Kiev cho tới nay vẫn không thể hiện thiện chí đàm phán trực tiếp với lãnh đạo các vùng ly khai, dù trong năm 2018 họ sẽ buộc phải làm điều đó vì tình hình trong nước đang xấu đi hoặc do chính đối tác của họ là Mỹ.

Đối với ông Putin, năm 2018 có thể là cơ hội để cải thiện quan hệ với EU. Người ta đã nhận thấy một số dấu hiệu về triển vọng bình thường hóa quan hệ với châu Âu. Mối quan hệ này cũng mở rộng ra ngoài khuôn khổ về thương mại. Trong tháng 2/2018, EU và Nga sẽ tiến hành tham vấn về vấn đề Bắc Cực.

Mặc dù không thiện cảm với cá nhân Tổng thống Syria Bashar al-Assad, song châu Âu có cái nhìn tích cực đối với chiến thắng của Nga ở Syria. Trong khi đó, đối với Mỹ, Syria không có nhiều ý nghĩa bởi dòng người tị nạn từ quốc gia này đã làm hỗn loạn châu Âu và việc họ quay về nước sẽ cải thiện được tình hình, làm giảm tình trạng bất ổn tại các quốc gia châu Âu.

Châu Âu còn lo ngại một vấn đề phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Nga và Mỹ. Đó chính là Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) đang bị đe dọa hủy bỏ. INF được ký kết hồi năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô về việc thủ tiêu toàn bộ tên lửa được triển khai ở châu Âu. Nếu hiệp ước này chấm dứt hiệu lực thì châu Âu có thể một lần nữa rơi vào cuộc chạy đua vũ trang thực sự. 

Trong cuộc họp báo lớn thường niên, Putin cũng cho biết Mỹ “trên thực tế” đã rút khỏi hiệp ước này. Kịch bản tương tự sẽ còn có thể xảy ra với các hiệp ước khác như Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), sẽ kết thúc vào tháng 2/2018.

Giới lãnh đạo châu Âu không muốn các tên lửa mới của Mỹ sẽ hiện diện ở đất nước của họ và sẵn sàng góp sức vào việc tăng cường đối thoại giữa Moskva và Washington - điều tối thiểu có thể làm được trong lúc này. Người dẫn đầu EU trong quan hệ với Nga trong năm 2018 có thể là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tháng 11 vừa qua, ông Macron đã tuyên bố rằng châu Âu không nên cô lập cả Tổng thống Donald Trump lẫn Tổng thống Putin. Tháng 5/2017, Tổng thống Macron đã chứng minh rằng ông không muốn cô lập Nga khi đón tiếp ông Putin ở Pháp ngay sau khi nhậm chức. Đồng thời, ông Macron dự kiến sẽ đến Nga với tư cách khách mời chính thức tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St-Peterburg năm 2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục