CPTPP: Hiện thực hóa các cơ hội

10:30' - 13/03/2018
BNEWS Cần làm gì để sẵn sàng hiện thực hóa các cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là câu hỏi đang được dư luận rất quan tâm.
Bày tỏ quan điểm của mình trên cơ sở nhiều năm nghiên cứu các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua những hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhận định, khác với các FTA trước đây, CPTPP là một hiệp định toàn diện, tiến bộ và tiếp tục hầu như phần lớn các tiêu chuẩn cao của TPP trong các vấn đề quy tắc phía sau đường biên giới, như sở hữu trí tuệ, bảo hộ đầu tư, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, lao động, môi trường…

Do đó, chuẩn bị cho CPTPP không chỉ là câu chuyện về tận dụng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa, mà bao trùm hơn, đó còn là câu chuyện rà soát sửa đổi pháp luật, thể chế kinh tế cho phù hợp với các tiêu chuẩn cao này. Đồng thời bảo đảm tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, thách thức thực thi CPTPP đặt ra cả với các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.

Hiện thực hóa các cơ hội từ CPTPP. Ảnh minh họa: TTXVN
Từ góc độ của các cơ quan quản lý Nhà nước, bà Trang cho rằng, trước hết cần phải tuyên truyền phổ biến về CPTPP để không chỉ các cán bộ đi đàm phán mà cả bộ máy ban hành, thực thi chính sách hiểu đúng về cam kết và xác định được đường hướng sửa đổi chính sách, pháp luật nội địa theo hướng thích hợp. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Ví dụ văn kiện TPP đã công bố hơn 2 năm qua, nhưng đến nay khó có thể khẳng định các cơ quan ban ngành đều hiểu về các cam kết TPP liên quan tới công việc của mình, chưa nói tới việc chuẩn bị cho thực thi hiệu quả.

Thứ hai là cần tiến hành rà soát, sửa đổi pháp luật để phù hợp cam kết, linh hoạt theo hướng có lợi cho doanh nghiệp nội địa. Quá trình này cần được thực hiện minh bạch, đồng bộ và đặt trong sự tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp.

Còn nhớ vào thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, rất nhiều các văn bản, quy định đã được sửa đổi, mang lại những thay đổi về chất cho hệ thống chính sách pháp luật về kinh tế của nước ta. Mặc dù vậy, khi nhìn lại, không thể không thừa nhận rằng có không ít trường hợp việc sửa đổi không đồng bộ dẫn tới những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, hoặc việc sửa đổi quá mạnh so với cam kết dẫn tới những thiệt thòi cho doanh nghiệp nội địa.

Do đó, lần này, theo bà Trang việc tham vấn với doanh nghiệp cần được chú trọng, để các cam kết khi chuyển hóa vào pháp luật nội địa bảo đảm vừa phù hợp cam kết, vừa có lợi nhất cho Việt Nam.

Mở rộng hơn, Việt Nam cần tận dụng được động lực từ CPTPP để cải cách, tạo bước ngoặt trong hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo ra sức bật cho nền kinh tế. Những cải cách này không phải là từ yêu cầu cam kết mà là từ nhu cầu nội tại của chính chúng ta. Chỉ có cải cách mới có thể tạo không gian, điều kiện tốt nhất cho việc tận dụng cam kết, hiện thực hóa các cơ hội

Từ thực tế của doanh nghiệp, bà Trang cũng khuyến nghị, yêu cầu lớn nhất đặt ra với mỗi doanh nghiệp là làm sao để hiểu được các cam kết phức tạp của hiệp định này. Bên cạnh đó, biết được những tác động của chúng tới hoạt động kinh doanh của mình. Tiếp theo là có các chuẩn bị, điều chỉnh hoạt động kinh doanh thích hợp để tận dụng các cơ hội, đồng thời đối mặt với các thách thức từ hiệp định.

Đây là thách thức rất lớn, nếu biết rằng các FTA trước đây đơn giản hơn nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Nhìn từ tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA đã ký chỉ loanh quanh mức 30% cũng có thể thấy số cơ hội bị bỏ lỡ là rất đáng kể. Chủ động tìm hiểu, chủ động hành động có lẽ là cách thức bắt buộc để doanh nghiệp làm được điều này.

Ở phạm vi rộng hơn, để có thể tham gia vào quá trình các cơ quan quản lý Nhà nước cần luật hóa các cam kết CPTPP theo hướng có lợi nhất. Doanh nghiệp cần liên kết với nhau, cùng với các hiệp hội doanh nghiệp để vận động và có tiếng nói hiệu quả trong quá trình này.

Giải đáp những băn khoăn của báo chí về việc liệu doanh nghiệp Việt Nam có biết và thực sự quan tâm tới hiệp định này không ?, bà Trang khẳng định: "Là hiệp định tiếp nối TPP, nên CPTPP cũng được nhiều doanh nghiệp dõi theo. Hơn nữa, các cam kết TPP, mà nay là CPTPP, đã được công bố từ hai năm nay. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tìm hiểu về CPTPP".

Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp mới chỉ biết tới CPTPP hay TPP ở mức độ chung, chưa đủ để có thể chuẩn bị hiệu quả cho việc thực thi Hiệp định này. Một mặt là do doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu, mặt khác CPTPP là Hiệp định phức tạp, không dễ để có thể hiểu các cam kết trong đó, càng chưa nói tới việc tham gia vào quá trình thực thi các cam kết này.

Do đó, Trung tâm WTO và Hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã lên một kế hoạch tổng thể và đang nỗ lực từng bước triển khai kế hoạch này để giúp doanh nghiệp có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội từ CPTPP. Kế hoạch này tập trung vào hai nhóm chính là phổ biến tuyên truyền và vận động chính sách.

Ở nhóm một, VCCI sẽ chú trọng phổ biến tuyên truyền các nội dung CPTPP theo cách đơn giản, trực tiếp vào các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm thông qua website trungtamwto.vn, các ấn phẩm, bản tin, tư vấn. Để làm được điều này, VCCI cũng rất cần sự phối hợp của các cán bộ cơ quan đàm phán, những người trực tiếp tạo nên các cam kết này vì hơn ai hết họ hiểu rõ nội dung và tác động của Hiệp định tới doanh nghiệp.

Ở nhóm hai, VCCI sẽ phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức rà soát các cam kết CPTPP với hệ thống pháp luật Việt Nam nhìn từ góc độ lợi ích doanh nghiệp Việt Nam, để từ đó đề xuất các biện pháp chính sách thích hợp với các cơ quan có nhiệm vụ nội luật hóa và thực thi các cam kết này của Việt Nam.

Bằng cách này, VCCI hy vọng có thể tạo cầu nối để doanh nghiệp cùng Nhà nước tận dụng tốt nhất không gian chính sách và các cam kết CPTPP theo hướng phù hợp cam kết đồng thời mang lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, bà Trang cho biết rõ hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục