Công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho các ngân hàng thương mại

19:54' - 17/12/2017
BNEWS Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các ngân hàng thương mại nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh, mức độ hài lòng của khách hàng.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là cơ hội và động lực cho các ngân hàng Việt Nam phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, đặc biệt trong việc ứng dụng những giải pháp kinh doanh sáng tạo và công nghệ đột phá...

Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng đặt ra nhiều thách thức cho các ngân hàng thương mại nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh, mức độ hài lòng của khách hàng,...
* Bài toán nguồn nhân lực
Nói về cảm nhận của khách hàng đối với mỗi ngân hàng, có lẽ hình ảnh về các giao dịch viên là ấn tượng đầu tiên và sâu sắc nhất. Tuy nhiên, cùng với các công việc khác như: kế toán, kiểm toán... lại là những vị trí sẽ chịu tác động lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bởi theo xu hướng, những vị trí có công việc lặp đi lặp lại hàng ngày dần sẽ được thay thế bởi người máy. Điển hình như tại Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc), người máy đã được sử dụng để thay thế con người trong những vị trí này.
Điều đó đồng nghĩa với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm mất đi nhiều việc làm?.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhiều việc làm sẽ không còn khi ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng đổi lại cũng có nhiều việc làm mới được tạo ra như: phân tích, dự báo, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật...
Từ đó đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy phản biện, sáng tạo và sở hữu trí tuệ cảm xúc.

Không chỉ dừng lại ở đó, thế hệ nhân viên mới trong thời đại cách mạng công nghiệp còn phải am hiểu công nghệ, có khả năng đa nhiệm, có nhu cầu thành đạt nhanh, tự tin, độc lập, thích thể hiện cá nhân và có nhu cầu học hỏi..., ông Cấn Văn Lực cho biết.
Theo khảo sát của Tập đoàn dữ liệu Quốc tế IDG, tại Việt Nam nhân lực sẵn sàng cho công nghệ số chưa cao, các chương trình đào tạo đại học thay đổi rất chậm so với xu thế.

Trong khi đó, nhiều trường đại học tại Mỹ đã đưa các giáo trình về trí tuệ nhân tạo, học máy (machine learning) vào giảng dạy MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh).
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần có một hệ sinh thái phù hợp để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, các chương trình giảng dạy cần thay đổi nhiều hơn để sẵn sàng cho một nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng trong thời đại 4.0, nhất là tránh chảy máu chất xám.
* Giải pháp công nghệ
Khách hàng chắc hẳn không còn xa lạ với các quy trình mở tài khoản hay đăng kí các dịch vụ ngân hàng với các bước xuất trình giấy tờ tùy thân, điền tay các biểu mẫu và chờ đợi để nhân viên ngân hàng hoàn thành các thủ tục cần thiết (chưa kể thời gian chờ đến lượt hay đi đến phòng giao dịch).
Nhưng nay, sự xuất hiện của giải pháp SMART FORM đã giúp tự động hóa các quy trình đăng ký.

Ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc công nghệ Công ty CMC SI. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Bá Quang - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Công ty Hyperlogy Corporation - đơn vị phát triển SMART FORM tại Việt Nam cho biết, đây là giải pháp hỗ trợ khách hàng mở tài khoản thanh toán, thẻ, SMS Banking, Internet Banking… qua điện thoại, internet và có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi giúp rút ngắn thời gian chỉ còn 3 - 5 phút cho mỗi giao dịch hay đăng ký dịch vụ.
Thay vì đến ngân hàng, khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà, với một thiết bị kết nối internet hoặc một cuộc gọi đến nhân viên tư vấn. Khách đăng kí thông tin cá nhân qua hệ thống SMART FORM và nhận cuộc hẹn tới ngân hàng để xác minh.
Cũng theo ông Quang, SMART FORM đã được Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) triển khai từ cuối tháng 5/2017 nhằm mục tiêu trở thành “Ngân hàng số”.

Sau thời gian thử nghiệm, MB đã chính thức triển khai SMART FORM tại tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc – một hệ thống được Hyperlogy xây dựng và phát triển nhằm hỗ trợ khách hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến dù họ ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào.
Thượng tướng, TS Lê Hữu Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị MB cho rằng, những công nghệ như SMART FORM rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Cuộc đua công nghệ càng khốc liệt thì khách hàng càng hưởng lợi.
Công nghệ thay đổi, sản phẩm dịch vụ đa dạng, tích hợp thanh toán thuận tiện..., nhưng nếu vẫn còn quan ngại về vấn đề an ninh, bảo mật ngân hàng thì khách hàng sẽ khó có thể sẵn lòng trải nghiệm.
Ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc công nghệ Công ty CMC SI cho biết, hiện các ngân hàng đã đầu tư rất nhiều sản phẩm bảo mật nổi tiếng trên thế giới, nhưng quan trọng là sự tích hợp giữa các hệ thống với nhau ra sao nên rất khó đánh giá được hệ thống bảo mật của hệ thống ngân hàng hiện nay đã hoàn toàn an toàn hay chưa.
Theo ông Thành, vấn đề quan trọng nhất lúc này là cần một hệ thống có thể kết nối được các mắt xích bảo mật lại với nhau để phân tích dữ liệu và đưa ra các cảnh báo sớm.
Cuối tháng 12 này, CMC SI sẽ cho ra mắt hệ thống bảo mật mới có khả năng bảo vệ các định chế tài chính ngân hàng, ông Thành tiết lộ.
Ngoài hệ thống bảo mật tích hợp, ông Cấn Văn Lực còn nhấn mạnh về ý thức của người tiêu dùng trong việc bảo vệ tài sản cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng... cũng như cơ sở hạ tầng truyền thông kết nối ổn định và cơ sở pháp lý rõ ràng, có hướng dẫn, quy định cụ thể về an ninh mạng để các ngân hàng cũng như khách hàng tuân thủ./.

Xem thêm:

>>>Ổn định tài chính - Nền tảng cho sự phát triển bền vững
>>>SeABank dành gói tín dụng 500 tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục