Công nghệ làm mới phong cách mua sắm của người tiêu dùng

17:29' - 18/02/2018
BNEWS Sự thay đổi về công nghệ và kinh tế đã viết lại hành trình mua sắm.

Mỗi bước của hành trình này, dù là mua sắm trực tiếp hay trực tuyến, đều chú trọng làm thế nào để tăng thêm sự gắn kết với người tiêu dùng.

Amazon- Nhà bán lẻ trực tuyến khổng lồ. Ảnh: TTXVN

Trong những năm gần đây câu chuyện về Amazon thường bao trùm các cuộc họp của ngành bán lẻ trực tuyến, nhưng tại triển lãm thường niên mới đây của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ nhà bán lẻ trực tuyến khổng lồ này hầu như không được nhắc đến.

Dường như ngành này đang bắt đầu thúc đẩy khái niệm sự kết thúc đang tới gần các cửa hàng truyền thống. Nhiều nhà bán lẻ đang đẩy mạnh sử dụng công nghệ để lôi kéo người tiêu dùng cả qua hình thức mua sắm trực tuyến hay tại cửa hàng.
Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor International, 83% hàng hóa trên toàn cầu được dự báo sẽ vẫn được mua tại các cửa hàng trong năm 2022, dù cho những thay đổi về công nghệ và kinh tế đang làm nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Dưới đây là một vài g công nghệ được kỳ vọng sẽ làm thay đổi cách mua sắm tại các cửa hàng vào năm 2020.
Thanh toán không cần quầy tính tiền
Kể từ khi Amazon công bố dự án gọi là “công nghệ mua sắm tiên tiến nhất trên thế giới” một năm trước đây, các nhà bán lẻ đã và đang gõ cửa các công ty công nghệ để tìm hiểu làm thế nào để tạo ra một cửa hàng không cần nhân viên. Sự ra đời của mã vạch không hỗ trợ tính năng gắn thẻ item-level của thời đại vạn vật kết nối (IoT) và các thuật toán thông minh hơn được mở ra bằng trí tuệ nhân tạo đã biến điều này trở thành có thể.
Chẳng hạn như với Amazon Go, người dùng chỉ việc bước vào cửa hàng, lấy đồ mình cần và đi ra mà không cần phải tính tiền. Điểm đặc biệt của Amazon Go là khách hàng có thể vào đây, lựa chọn những thứ muốn mua và sau đó rời đi mà không cần phải thanh toán tại quầy như những siêu thị hay cửa hàng bán lẻ khác.
Amazon sử dụng hệ thống cảm biến và giám sát bằng máy tính để nhận biết những thứ mà người dùng đã lấy ra khỏi cửa hàng. Tổng số tiền các mặt hàng khách đã mua tại cửa hàng sau đó sẽ được trừ vào tiền trên tài khoản Amazon của người dùng ngay khi họ bước ra khỏi cửa hàng.
Mới đây, tại Trung Quốc, WeChat, Tập đoàn cửa hàng tự phục vụ EasyGo và các đối tác khác cũng đã chung vốn kinh doanh mở một cửa hàng tự phục vụ đầu tiên ở thành phố Thượng Hải, miền Đông nước này.
Mô hình hoạt động của cửa hàng này cũng gần tương tự như Amazon Go, đó là khách mua hàng chỉ cần quét mã QR bằng ứng dụng WeChat trên điện thoại di động của họ để vào cửa hàng. Các thiết bị cảm ứng ở lối ra sẽ phát hiện những lựa chọn của khách hàng và tự động tính tiền trong “ví WeChat” (số tiền khách hàng nạp trong ứng dụng) khi khách hàng đi qua "cửa thanh toán."
Giám đốc phụ trách hoạt động thanh khoản của WeChat, Bai Zhenjie, cho hay trong tương lai, công nghệ nhận dạng khuôn mặt và hình ảnh nhiều khả năng sẽ được lắp đặt tại cửa hàng này. Khách mua hàng chỉ mất 0,1 giây để thanh toán hoá đơn mua hàng
Những hãng công nghệ như Intel và IBM hiện đang cung cấp một bộ công nghệ để tạo ra các cửa hàng không có nhân viên như vậy.
Mua sắm trong một thực tế ảo
Công nghệ cho phép các nhà bán lẻ kết hợp kỹ thuật số với thực tế để tăng cường sự tham gia của người tiêu dùng và tăng sự trung thành của thương hiệu. Trước đây, khi mua sắm trực tuyến, người mua không thể tận mắt thử, kiểm tra các mặt hàng cần mua sắm, từ đó dẫn đến tâm lý lo lắng, đắn đo khi mua hàng. Nhưng khi công nghệ thực tế ảo ra đời, hạn chế này đã phần nào được khắc phục.
Mua sắm qua thực tế ảo là bước nâng cao của mua sắm trực tuyến với trợ giúp từ công nghệ tương tác thực tế ảo. Người mua hàng không chỉ có thể xem hình, video về sản phẩm mà còn được trải nghiệm trong môi trường ảo các sản phẩm đang quan tâm: nhìn, ngắm, dùng thử từ nhiều góc khác nhau. Một ưu điểm khác của việc dùng công nghệ tương tác thực tế ảo trong mua sắm trực tuyến là người dùng có thể giả lập việc dùng sản phẩm đó theo sở thích.
ModiFace, một trong số những ứng dụng di động tương tác thực tế ảo được nhiều nhãn hiệu làm đẹp sử dụng, gần đây đã cho ra mắt một loại gương tương tác thực tế ảo. Gương này, tăng cường theo dõi khuôn mặt và video 3D, cho phép người tiêu dùng trải nghiệm các kiểu trang điểm khác nhau tại cửa hàng.
Mặc dù nhiều nhà bán lẻ đã áp dụng công nghệ này qua mua sắm trực tuyến, song một số nhà bán lẻ khác bây giờ mới đang bắt đầu sử dụng công nghệ này để tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị tại cửa hàng.
Trong thời đại mà mọi người bán mọi thứ, bản thân các nhà bán lẻ phải năng động hơn để tạo ra sự khác biệt với các đối thủ. Chính công nghệ sẽ là chìa khóa để hỗ trợ họ tạo ra những phương cách mới, có ý nghĩa để người tiêu dùng tương tác với thương hiệu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục