Cơ cấu lại ngành nông nghiệp - Bài 2: Ưu tiên phát triển “vựa” giống

14:40' - 31/12/2017
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu trở thành một trung tâm về công nghệ giống cây trồng, vật nuôi cho khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Với ưu thế là một trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ và nằm giữa “vựa” nông nghiệp lớn nhất nước (Đồng bằng sông Cửu Long), Tp. Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu trở thành một trung tâm về công nghệ giống cây trồng, vật nuôi cho khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Điều này sẽ góp phần hạn chế tình trạng nhập khẩu giống như hiện nay, cũng như nâng cao chất lượng giống vật nuôi, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh của thị trường trong bối cảnh mới.
* Thất thoát hàng trăm triệu USD vì nhập khẩu giống
Theo ước tính của các chuyên gia, chi phí giống chiếm từ 5-20% trong tổng chi phí sản xuất cây trồng, vật nuôi và là khâu then chốt quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đây cũng là lĩnh vực mang lại lợi nhuận nhiều nhất trong sản xuất nông nghiệp nhưng lại đang là điểm yếu của ngành.
Dẫn chứng từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hàng năm, Việt Nam đã nhập khẩu hạt giống rau và hoa với giá trị lên đến 550 triệu USD.

Việc nghiên cứu lai tạo và sản xuất hạt giống, nhất là các giống rau, hoa vẫn đang là thách thức lớn nhất của ngành trồng trọt. Hiện có đến 80% hạt giống rau phải nhập khẩu từ nước ngoài, phần lớn hạt giống rau F1 phải nhập nội.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong năm 2016 Việt Nam đã nhập khẩu gần 150.000 tấn giống cây trồng; trong đó có hơn 7.000 tấn giống lúa, còn lại là các giống cỏ, ngô, rau, hoa và dưa hấu...
3 tháng đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu hơn 4.800 tấn giống cây các loại; trong đó có gần 220 tấn giống lúa và chủ yếu là giống của Trung Quốc. Chưa kể, hàng năm Việt Nam cũng phải nhập giống gia súc, thủy sản với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
Theo GS TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, từ nhiều năm nay, việc tạo điều kiện cho việc nghiên cứu sản xuất giống chưa được quan tâm đúng mức.
Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm Việt Nam cấp kinh phí cho nghiên cứu cơ bản về di truyền giống quá ít với số tiền duy trì 600 tỷ đồng/năm; trong đó có tới 50% là để trả lương.

Trong khi đó, các tập đoàn sản xuất giống lớn trên thế giới chi cho nghiên cứu từ 1,6-1,7 tỷ USD/năm.

Do đó, nhiều nông sản xuất khẩu đi các nước phải trả tiền bản quyền giống, do phụ thuộc vào nguồn giống bố mẹ từ nước ngoài.
Chia sẻ tại một hội thảo nông nghiệp gần đây, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trong những năm gần đây, xuất khẩu nông lâm thủy sản là một trong những ngành hàng đóng góp kinh tế cao, hàng năm, mang về trên 30 tỷ USD cho đất nước.

Giá trị mang lại cao nhất của nông nghiệp chính là sản xuất giống. Đây cũng là khâu then chốt, chỉ khi Việt Nam tự chủ về sản xuất giống thì mới nói đến đảm bảo an ninh nông nghiệp cho đất nước.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nếu có điều kiện chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp sang xuất giống thì giá trị sản xuất trên mỗi hécta sẽ tăng lên nhiều hơn nữa.

Điều này không chỉ giảm bớt lượng ngoại tệ để nhập khẩu giống mà còn đáp ứng nhu cầu sản xuất trong khu vực cũng như góp phần gia tăng thu nhập người nông dân khi chuyển qua sản xuất giống.
* Tận dụng lợi thế để phát triển
Ông Phạm Mạnh Báu, Chủ tịch Hiệp hội Giống thương mại Việt Nam cho rằng, lẽ ra phải từ rất lâu rồi, Tp. Hồ Chí Minh phải là trung tâm sản xuất giống của cả nước.

Bởi lẽ, thành phố là trung tâm đầu tàu kinh tế của cả nước, có nhiều điều kiện về khoa học công nghệ, cơ sở vật chất.
Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh có hệ thống các viện nghiên cứu, trường đại học liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, có hàm lượng trí tuệ các nhà khoa học rất lớn và tập trung nhiều doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất giống hiện nay.

Đây sẽ là nền tảng hạ tầng rất lớn để thực hiện mục tiêu trên.
Theo ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, thành phố hiện có số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lớn nhất nước.

Nhiều doanh nghiệp có khả năng nghiên cứu, chọn tạo giống mới, đặc biệt là giống rau, dưa hấu, lúa... không chỉ cung cấp cho thành phố mà cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Nhiều giống cây trồng mới của doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu giống cây trồng mới và xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, trong 10 năm trở lại đây, thành phố đã đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất tiềm lực khoa học công nghệ.

Các đơn vị này cùng với một số doanh nghiệp giống lớn đã đầu tư nghiên cứu, xây dựng bảo tồn nguồn gen, chọn tạo giống mới.

Ngoài ra, thành phố đã xây dựng và triển khai chương trình giống cây con chất lượng cao từ những năm 2005 và từng bước triển khai bài bản để phát triển giống cây trồng.
Theo TS. Nguyễn Văn Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II, Tp. Hồ Chí Minh có cả nguồn nước ngọt, mặn, lợ nên cũng có đầy đủ các loài thủy sản ở các môi trường khác nhau.

Đối với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng… là những giống thủy sản được nuôi phổ biến nhất. Tất cả các loại này đều có thể sản xuất con giống ở điều kiện môi trường nông nghiệp thuận lợi tại Tp. Hồ Chí Minh.
Ngay tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 2, nhiều giống thủy sản quý hiếm cũng đã được khôi phục. Như cá hô đã được đưa ra khỏi sách đỏ các loại sắp tuyệt chủng sau khi nghiên cứu lai tạo thành công từ năm 2005.

Năm 2007, cá bông lau sau khi sinh sản nhân tạo thành công, cho 100.000 – 150.000 cá giống/năm đã giảm bớt áp lực từ khai thác tự nhiên đang ít dần…
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, trong giai đoạn 2010-2016, các đơn vị sản xuất và cung ứng cho thị trường trên 81.000 tấn hạt giống các loại.

Ước tính, lượng giống này có thể đáp ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng của thành phố và các tỉnh.

Về cây giống cấy mô, thành phố có 35 phòng cấy mô, hàng năm có khả năng sản xuất được 16 triệu cây giống cấy mô các loại (chủ yếu là giống lan), cung ứng cho 240 ha phục vụ cho thay mới, mở rộng diện tích trồng hoa kiểng, giảm thiểu nhập khẩu cây giống lan cấy mô.

Ngoài ra, còn sản xuất cây giống chuối, cây lâm nghiệp hoa kiểng, cây dược liệu…
Theo đánh giá của các chuyên gia, với tiềm năng và vị trí sẵn có, Tp. Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế và hoàn toàn có thể trở thành trung tâm giống cây trồng phía Nam.

Tuy nhiên, vấn đề thực hiện như thế nào vẫn còn nhiều việc phải bàn và giải quyết khi nội tại của ngành sản xuất giống còn nhiều khó khăn, bất cập./.
Bài cuối: Tháo gỡ các “điểm nghẽn”

Xem thêm:

>>>Tp. Hồ Chí Minh: Điều tra nguyên nhân vụ cháy lớn thiêu rụi 2 căn nhà

>>>Thu ngân sách của Tp. Hồ Chí Minh đạt 100,03% kế hoạch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục