Chứng khoán ngày 2/5: Sóng gió chưa qua

16:22' - 02/05/2018
BNEWS Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch đầy sóng gió. Các chỉ số chứng khoán tiếp tục lao dốc, sắc đỏ lan rộng ra toàn thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch ngày 2/5 đầy sóng gió. Ảnh: TTXVN

Các chỉ số chứng khoán tiếp tục lao dốc, sắc đỏ lan rộng ra toàn thị trường, thậm chí, rất nhiều mã cổ phiếu đã giảm xuống mức giá sàn. 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/5, VN- Index giảm tới 21,18 điểm xuống 1.029,08 điểm. Toàn sàn có tới 185 mã giảm giá, trong khi chỉ có 98 mã tăng giá và 46 mã đứng giá. Dường như không có cơ hội nào cho chỉ số VN- Index bứt lên khỏi mốc tham chiếu. Hầu hết thời gian giao dịch chỉ số này chìm sâu trong sắc đỏ. 

HNX- Index cũng không khả quan hơn. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số này giảm 1,67 điểm xuống 120,97 điểm. Toàn sàn chỉ có 75 mã tăng giá, trong khi có tới 108 mã giảm giá và 53 mã đứng giá. 

Thị trường giảm sâu nhưng lực mua vẫn không lớn. Nhà đầu tư e dè khiến cho thanh khoản thị trường chỉ đạt ở mức thấp. Tổng khối lượng giao dịch trên cả 2 sàn chỉ đạt trên 228,7 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 6.641,9 tỷ đồng.

Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán) có tới 22 mã giảm giá và chỉ có 7 mã tăng giá. Chỉ số VN30 phiên hôm nay cũng giảm tới 15,13 điểm, tương ứng với mức giảm 1,47%. 

Các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh có thể kể đến như GAS giảm 7.800 đồng xuống mức giá sàn 103.700 đồng/cổ phiếu, HSG cũng giảm tới 1.150 đồng xuống mức giá sàn 15.600 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 4,5 triệu cổ phiếu. 

Một loạt các mã cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng giảm giá rất mạnh như: VJC giảm tới 7.400 đồng/cổ phiếu, BVH giảm 5.000 đồng/cổ phiếu, ROS giảm 4.600 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VNM cũng kết phiên trong sắc đỏ với mức giảm 500 đồng/cổ phiếu. 

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ còn có SAB, HPG, GMD, BMP, SBT tăng giá nhẹ và PLX tăng lên mức giá trần. Cổ phiếu PLX trở thành ngôi sao sáng khi đi ngược xu thế giảm của thị trường để tăng tới 4.300 đồng lên mức giá trần 66.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu PLX cũng trở thành “hiện tượng” trong nhóm cổ phiếu dầu khí khi tăng mạnh, trong khi một loạt mã cổ phiếu thuộc nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh như: BSR giảm tới 1.500 đồng/cổ phiếu, PVB giảm 400 đồng/cổ phiếu, PVC giảm 500 đồng/cổ phiếu. Các mã như PVD, PVS, POS đều bị kéo xuống mức giá sàn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không khả quan hơn, khi chỉ còn duy nhất BAB kết phiên trong sắc xanh với mức tăng nhẹ 100 đồng/cổ phiếu và NVB đứng ở mức giá tham chiếu. Tất cả các mã ngân hàng còn lại đều giảm giá.
Các mã giảm mạnh nhất là BID giảm tới 2.500 đồng xuống mức giá sàn 33.600 đồng/cổ phiếu. BID cũng trắng bên mua, trong khi cổ phiếu này vẫn còn dư bán sàn.
Một cổ phiếu vốn hóa lớn khác thuộc ngành ngân hàng là CTG cũng giảm tới 2.050 đồng xuống mức giá sàn 27.250 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh gần 5,4 triệu đơn vị.
Các mã cổ phiếu ngân hàng còn lại cũng có mức giảm khá sâu, điển hình như: VPB giảm 2.200 đồng/cổ phiếu, VCB giảm 1.800 đồng/cổ phiếu, HDB giảm 800 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giao dịch theo chiều hướng rất xấu. Hàng loạt mã cổ phiếu thuộc nhóm này giảm sàn như: ASM, CEO, DXG, HAG, ITA, KAC.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhóm bất động sản cũng giảm rất mạnh như: VIC giảm tới 1.000 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 5,2 triệu đơn vị, NVL giảm tới 3.300 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 2,45 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giảm theo xu thế giảm của thị trường chung. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành chứng khoán là SSI giảm tới 1.200 đồng/cổ phiếu, SHS giảm 900 đồng/cổ phiếu, VCI giảm 2.000 đồng/cổ phiếu, VND giảm 1.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, cổ phiếu HBS còn bị kéo xuống mức giá sàn.
Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng không ủng hộ thị trường chứng khoán Việt Nam khi bán ròng lớn giá trị cổ phiếu.
Cụ thể, phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh cả khối lượng lẫn cổ phiếu trên HOSE. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới hơn 4,63 triệu cổ phiếu trên sàn này, với giá trị bán ròng hơn 358 tỷ đồng.
Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất VIC với giá trị hơn 371,2 tỷ đồng. VRE cũng bị bán ròng tới hơn 109 tỷ đồng, VJC bị bán ròng hơn 106 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 29.867 cổ phiếu. Tuy nhiên nếu xét theo giá trị cổ phiếu được khối ngoại giao dịch trên HNX thì khối này đã mua ròng nhẹ 6,06 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, nhà đầu tư mua ròng mạnh nhất VGC, VCG, VNR và bán ròng mạnh SHB, NDN và CEO./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục