Châu Phi và sự phụ thuộc đáng lo ngại vào nguồn vốn từ Trung Quốc

14:17' - 31/03/2017
BNEWS Hiện có nhiều dự án hạ tầng có vai trò quan trọng tại châu Phi phụ thuộc vào nguồn vốn từ Trung Quốc. Điều này làm dấy lên quan ngại về những rủi ro mà các quốc gia ở khu vực này phải đối mặt.
Đập thủy điện “Đại Phục hưng” của Ethiopia được xây dựng tại Guba Woreda, cách biên giới Ethiopia-Sudan 40km. Ảnh: Reuters

Đập thủy điện Đại phục hưng ở Ethiopia, cảng nước sâu ở Kribi, đường sắt nối Addis-Ababa và Djibouti, dự án cải tạo hệ thống đường sắt nối Dakar và Bamako, hệ thống đường sắt ở Đông Phi, các sân vận động tại Angola, Cameroon hay Gabon là những dự án hạ tầng quy mô lớn mà Trung Quốc tài trợ hoàn toàn hoặc một phần.

Các công trình hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của các quốc gia châu Phi. Nhiều chuyên gia cho rằng sự yếu kém về hạ tầng hiện nay là điều bất lợi chính cho sự phát triển của lục địa này.

Ý thức được rằng sự thiếu hụt hạ tầng sẽ làm giảm hiệu quả kinh tế, nhiều quốc gia châu Phi hiện nay tập trung vào xây dựng đường giao thông, xa lộ, cảng, cầu, đập thủy điện, đường sắt, sân bay, bệnh viện...

Trường hợp của Morocco là một ví dụ. Trong 15 năm qua, nước này đã đẩy mạnh xây dựng xa lộ, cảng, sân bay, các tuyến đường sắt mới (trong đó có đường sắt cao tốc), các nhà máy điện, các trung tâm dịch vụ hậu cần. Các dự án đã giúp Morocco giải quyết bài toán thiếu hạ tầng và tăng sức hấp dẫn đầu tư vào nước này.

Ethiopia cũng đạt nhiều thành quả trong việc cải thiện hạ tầng, nổi bật nhất là dự án xây dựng đập thủy điện lớn nhất châu Phi, Đại phục hưng, có công suất 6.000 MW. Nước này cũng đang xây dựng tuyến đường sắt dài 740 km nối nước này với cảng Djibouti, góp phần phá thế cô lập của đất nước phát triển nhất châu lục này từ hơn 1 thập kỷ qua.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), châu Phi cần khoảng 100 tỷ USD đầu tư/năm trong nhiều năm để giải quyết bài toán thiếu hạ tầng. Tuy nhiên các nước châu Phi không có nguồn tài chính cần thiết để thực hiện các dự án này. Nhiều nước sử dụng các kênh tài chính như thuế, vay trong nước và nước ngoài, quan hệ đối tác công-tư, nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA)... 

Trước tình hình này, đối với nhiều nước ở lục địa này, Trung Quốc là một giải pháp thích hợp. Trung Quốc có trữ lượng ngoại hối khổng lồ, tiềm lực tài chính dồi dào, và đang tìm kiếm nguồn tài nguyên để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của mình. Ngoài ra Bắc Kinh cũng muốn cải thiện vị thế tại châu Phi, đóng vai trò trụ cột về tài chính cho các dự án hạ tầng lớn tại châu lục này.

Đối với đập thủy điện Đại phục hưng tại Ethiopia, Trung Quốc sẽ cung cấp 1,8 tỷ USD để bảo đảm mua các tua-bin và hệ thống điện.

Ngân hàng ngoại thương Trung Quốc cũng bảo đảm nguồn vốn thực hiện dự án mở rộng cảng Kribi tại Cameroon với tổng vốn 675 triệu USD, cùng với đó là 429 triệu USD để thực hiện giai đoạn 1 (năm 2011) dự án thủy điện trên.

Dự án hệ thống đường sắt Đông Phi nối Kenya, Uganda, Rwanda và Nam Sudan có tổng vốn đầu tư 13,8 tỷ USD được Trung Quốc tài trợ một phần và do các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện. 

Tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi sẽ kết nối Kenya với các nước Uganda, Rwanda, Burundi và Nam Sudan. Ảnh: Internet

Ngay cả đối với các nước dầu mỏ trước đây thu lãi lớn nhờ giá dầu cao bảo đảm vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, nay cũng sử dụng nguồn vốn Trung Quốc, kể từ khi giá dầu lao dốc dẫn tới thu nhập sụt giảm. 

Một cảng lớn tại Algeria có mức đầu tư 3,3 tỷ USD sẽ được Trung Quốc thực hiện với vốn vay dài hạn. Trong tháng 2, Nigeria nhận được khoản vay 7,5 tỷ USD từ Trung Quốc để thực hiện dự án đường sắt Lagos-Kano sẽ do nhà thầu là Tổng công ty đường sắt Trung Quốc thực hiện.

Các dự án do Trung Quốc tài trợ và thực hiện rất nhiều và liên quan đến hầu khắp các nước châu Phi, nhất là ở các nước nói tiếng Anh như Kenya, Ai Cập, Ghana, Nigeria, Nam Phi, Tanzania...

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp cũng sử dụng đồng vốn Trung Quốc để xây dựng hạ tầng cơ sở. Đó là các nước thân Pháp như Gabon, Congo, Cameroon, Senegal, Cote d'Ivoire. 

Đối với Senegal, Trung Quốc là một trong những nhà tài trợ chính các hệ thống hạ tầng đường sắt và đường giao thông, nổi bật là dự án cải tạo mạng lưới đường sắt nối Dakar-Bamako.

Vốn vay của Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Phi được sử dụng dưới hình thức hợp tác Nhà nước-Nhà nước. Khi các nước châu Phi gặp khó khăn trả nợ, Trung Quốc sẽ dễ dàng gia hạn trả nợ cho các đối tác của mình.

Đó là trường hợp của Angola đã được giãn nợ do thu nhập từ dầu khí giảm sút dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Trái với các nước phương Tây, Trung Quốc ít chú trọng đến vấn đề nhân quyền và môi trường.

Hơn nữa, đối với nhiều nước giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên như bôxít, vàng, đồng, sắt, Trung Quốc không do dự thực hiện hạ tầng cơ sở để đổi lấy khoáng sản.

Angola được nhận tài trợ và vốn vay của Trung Quốc để xây dựng hạ tầng và Trung Quốc cũng trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ số 1 của nước này. Trong giai đoạn 2010-2016, giá trị nhập khẩu dầu mỏ từ Angola lên tới 27 tỷ USD. Ngoài ra, những điều kiện tài trợ vốn của Trung Quốc cũng trở nên thuận lợi hơn, như lãi suất thấp và thời gian trả nợ dài. 

Trong mối quan hệ đối tác này, hai bên đều hưởng lợi. Trong trường hợp tài trợ vốn cho các dự án hạ tầng, Trung Quốc đàm phán sao cho các công ty nước này được thực hiện dự án và đôi khi là cả việc sử dụng nhân công Trung Quốc. 

Sự phụ thuộc lớn của các nước châu Phi vào nguồn vốn vay của Trung Quốc đã gây ra nhiều lo ngại. Thứ nhất, những khoản nợ này sẽ là gánh nặng cho các thế hệ tương lai. Chẳng hạn như dự án đập thủy điện Đại phục hưng sẽ đem lại cho Ehtiopia 730 triệu euro/năm nhờ vào xuất khẩu điện cho các nước láng giềng. Xuất khẩu đem lại lợi nhuận cho dự án này, nhưng nước này sẽ phải trả lãi suất cho dự án với tổng đầu tư hơn 4,8 tỷ USD.

Ngoài ra, không có gì bảo đảm cho sự bền vững của các nguồn tài chính trên. Nhịp độ tăng trưởng Trung Quốc chậm lại và trữ lượng ngoại hối của nước này bắt đầu giảm. Bên cạnh đó, các nước vay nợ buộc phải trao quyền thực hiện dự án cho các nhà thầu Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục