Châu Âu với ý tưởng định hình lại toàn cầu hóa

06:30' - 20/05/2017
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách định hình lại quá trình toàn cầu hóa để đón đầu tương lai và cải thiện điều kiện sống của công dân châu Âu.
Châu Âu với ý tưởng định hình lại toàn cầu hóa. Ảnh minh họa: Reuters

Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố một tài liệu nghiên cứu về việc làm chủ toàn cầu hóa với những đánh giá về các thuận lợi và bất lợi của tiến trình này. Tài liệu nhằm đưa ra một cuộc thảo luận về cách thức mà EU cùng các nước thành viên có thể định hình lại quá trình toàn cầu hóa để đón đầu tương lai và cải thiện điều kiện sống của công dân châu Âu.

Tài liệu nghiên cứu mới đây phản ánh trung thực nhất về những lợi ích cũng như thách thức mà toàn cầu hóa mang lại cho EU. Dù được hưởng lợi nhiều từ toàn cầu hóa, EU cũng chính là đối tượng gặp phải nhiều thách thức nhất. Trên thế giới, toàn cầu hóa cho phép hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói và giúp các nước nghèo thu hẹp sự tụt hậu.

Đối với EU, thương mại toàn cầu đã kích thích tăng trưởng kinh tế, mỗi 1 tỷ euro xuất khẩu tăng thêm sẽ đóng góp vào việc tạo ra việc làm hoặc giữ việc làm cho 14.000 lao động. Nhập khẩu ít tốn kém mang tới ích lợi đặc biệt cho các hộ nghèo. Tuy nhiên, những lợi thế này không tự động và cũng không phân bổ đồng đều hay thống nhất giữa các công dân.

Châu Âu cũng khốn đốn khi các nước không có cùng một chuẩn mực trong các lĩnh vực như việc làm, môi trường hoặc an ninh, dẫn đến việc phần lớn các doanh nghiệp châu Âu trở nên kém cạnh tranh về giá đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Và kết quả là nhà máy đóng cửa, lao động mất việc làm, hoặc áp lực về giảm lương và điều kiện làm việc.

Giải pháp đưa ra trong nghiên cứu không nằm trong vấn đề bảo hộ cũng như không trong chính sách tự do thái quá. Rõ ràng nghiên cứu đã chứng tỏ toàn cầu hóa mang tới nhiều lợi ích nếu được chế ngự tốt.

Để làm chủ được toàn cầu hóa, EU phải chú ý đến việc phân chia các lợi thế của toàn cầu hóa thông qua những hành động cụ thể với tất cả các nước thành viên và các khu vực cũng như với các đối tác quốc tế. EU sẽ phải nắm bắt và tận dụng để định hình lại toàn cầu hóa theo giá trị và lợi ích của châu Âu.

Phó Chủ tịch thứ nhất của EC Frans Timmermans cho biết toàn cầu hóa về tổng thể là tốt cho nền kinh tế châu Âu, nhưng điều đó không có ý nghĩa đáng kể cho công dân châu Âu nếu những lợi thế không được phân chia một cách công bằng và thống nhất.

Châu Âu phải đóng góp vào việc viết lại nền tảng của các nguyên tắc ở cấp độ toàn cầu để thương mại tự do trở nên công minh và cùng với đó, toàn cầu hóa trở nên bền vững và có lợi hơn cho tất cả công dân trong EU.

EU cũng cần tập trung vào các chính sách nhằm trang bị cho công dân một nền tảng giáo dục và các kỹ năng cần thiết để tồn tại song hành với sự tiến triển của nền kinh tế. Một chính sách tái phân phối tốt sẽ đảm bảo để các liên kết xã hội và đoàn kết nội khối được vững chắc.

Về phần mình, Phó Chủ tịch EC phụ trách việc làm, tăng trưởng, đầu tư và cạnh tranh Jyrki Katainen cho rằng toàn cầu hóa là một lực đẩy mang tới nhiều lợi thế cho châu Âu so với phần còn lại của thế giới, nhưng đi kèm với nó là không ít thách thức.

Để bảo vệ lợi ích do sự mở cửa mang lại và đồng thời giảm thiểu những bất lợi, EU cần xúc tiến một trật tự thế giới mới mạnh hơn và dựa trên những quy tắc, hành động kiên quyết chống lại các hành vi gian lận.

Cùng với đó là mong muốn mang lại cho xã hội châu Âu một sự thích ứng tốt hơn, và nền kinh tế của “lục địa Già” có cơ hội nâng cao tính cạnh tranh thích ứng với môi trường xã hội toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng hiện nay.

>>> Thủ tướng Đức: Chủ nghĩa bảo hộ sẽ phải "đóng cửa"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục