Châu Âu đau đầu về vấn đề di cư bất hợp pháp

06:30' - 22/06/2018
BNEWS Thủ tướng Áo Sebastian Kurz công bố việc thiết lập “trục” hợp tác giữa các Bộ trưởng Nội vụ Áo, Đức và Italy để đấu tranh chống lại vấn đề di cư bất hợp pháp, trong khi châu Âu chia rẽ về vấn đề này.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. Ảnh: THX/TTXVN 

Tập hợp những người di cư tại các trung tâm tiếp nhận bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) là một trong các giải pháp do một số quốc gia đang gánh chịu khủng hoảng di cư đề xuất.

Áo đang nghiên cứu tính khả thi của đề xuất này, đặc biệt là việc lập các trung tâm tiếp nhận ở Albania. Thủ tướng Áo nhấn mạnh: "Cần có một trục hợp tác giữa những người tình nguyện trong cuộc chiến chống lại vấn đề nhập cư bất hợp pháp này".

Nhà lãnh đạo Áo cũng cho biết nước này đang làm việc với một số quốc gia EU về việc thành lập các trung tâm tiếp nhận người di cư ở bên ngoài EU nhằm “cung cấp nơi ở và bảo vệ người di cư, tuy nhiên không phải mang đến cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn". Đồng thời Thủ tướng Áo cũng cho biết: "Các nỗ lực đang được tiến hành".

Thủ tướng Kurz, người theo chủ nghĩa bảo thủ và đang lãnh đạo Chính phủ cùng đại diện Đảng cực hữu, đã không nêu rõ các trung tâm tiếp nhận này sẽ dành cho những người di cư nào. Tuy nhiên, tuần trước, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmusen đã thảo luận với một số quốc gia, trong đó có Áo, về việc thành lập các "trung tâm tiếp nhận chung" dành cho người di cư không thể yêu cầu tị nạn tại EU hoặc đã bị từ chối không được tị nạn tại các quốc gia EU.

Phát biểu với báo chí, Thủ tướng Áo cho biết: "Việc thành lập các trung tâm tiếp nhận người di cư bên ngoài EU là một dự án mà Áo đang tiến hành cùng một vài quốc gia, với cách thức không được công bố rộng rãi ... để tăng tính khả thi của dự án". Trong số các quốc gia có khả năng chấp thuận các trung tâm tiếp nhận này, báo chí Áo đã đề cập đến Albania trong những ngày gần đây. Khi được hỏi về thông tin nêu trên, Thủ tướng Áo chỉ nói: "Chúng ta sẽ biết cụ thể trong thời gian tới".

Liên minh cánh hữu/cực hữu nắm quyền tại Áo kể từ cuối năm 2017 đã coi chính sách nhập cư hạn chế là một trong các ưu tiên hàng đầu.Chính phủ vừa muốn làm cho Áo kém hấp dẫn đối với những người xin tị nạn, vừa gia tăng việc trục xuất những người bị bác đơn xin tị nạn.

Nhìn chung, các nước EU vẫn bế tắc trong việc cải cách hệ thống tị nạn của liên minh đang bị sa lầy từ hai năm nay. Không khí chính trị vốn đã nặng nề lại càng trở nên căng thẳng hơn khi một Chính phủ dân túy lên nắm quyền tại Italy.

Trong chuyến thăm một trại tị nạn ở Sicily, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini tuyên bố: "Chúng tôi từ chối các quy tắc Dublin". Theo các quy tắc này, quốc gia mà người tị nạn nhập cảnh đầu tiên có trách nhiệm tiếp nhận người di cư và người xin tị nạn. Không chỉ Salvini mà cả người tiền nhiệm của ông cũng đã lập luận rằng Italy và Hy Lạp là 2 quốc gia đầu tuyến di cư chính bị choáng ngợp bởi quy tắc Dublin. Ông Salvini đã cam kết Italy sẽ không còn là "trại tị nạn của châu Âu" nữa và tuyên bố sẽ có nhiều trục xuất với những người di cư bất hợp pháp. 

Italy từ chối các quy định tị nạn cũ trong khi Đức muốn giữ lại. Theo Chính phủ Đức, trong số gần 200.000 đơn xin tị nạn nộp vào Đức năm 2017, có hơn 64.000 trường hợp đã từng đăng ký xin tị nạn ở một nước EU khác.

Đối với những người này, chính quyền Đức đã đưa ra các thông báo và đề nghị các nước EU có thẩm quyền đưa họ trở lại. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có 7.100 người tị nạn bị trục xuất khỏi Đức và có đến 8.700 người xin tị nạn từ các nước EU khác đã được chuyển sang Đức trong cùng thời điểm đó. Một điều rõ ràng là cơ quan giải quyết tị nạn của Đức thực sự có vấn đề với cái gọi là Quy tắc Dublin. 

Quy tắc Dublin gần như không hoạt động bởi lý do các nước thành viên EU từ chối chấp nhận người tị nạn hoặc chỉ tiếp nhận rất ít. Điển hình như có 2.300 đơn xin tị nạn trong năm 2017 nhưng Hy Lạp vẫn chưa tiếp nhận bất cứ trường hợp nào; hệ thống tị nạn của Hungary cũng ngăn cản việc Đức gửi người tị nạn; cam kết tuân thủ luật tị nạn của EU bị Budapest từ chối. Tuy nhiên, ngay cả khi các quốc gia EU khác đồng ý tiếp nhận, không trục xuất người tị nạn thì sau đó những người này cũng biến mất. 

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho rằng đối với Chính phủ Liên bang, quy tắc Dublin - tức là quyền tài phán của quốc gia nhập cảnh đầu tiên - phải có hiệu lực trong ít nhất 10 năm. Tuy nhiên, theo ông Seehofer, trong những điều kiện nhất định, người xin tị nạn từ Italy hoặc Hy Lạp có thể được phân phối trong số các nước EU khác theo hệ thống hạn ngạch. 

Ngày càng có nhiều quốc gia đang phản đối vấn đề cốt lõi của chính sách tị nạn là sự phân bổ người tị nạn, trong đó có các quốc gia như Ba Lan, Hungary, Slovakia và Czech. Các quốc gia này đang làm nhiều việc hơn nữa để tiếp tục niêm phong biên giới ngoài EU và ngăn chặn sự xâm nhập của người tị nạn hoặc người di cư. 

Các quy tắc Dublin được xây dựng nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn chuyển từ nước này sang nước khác của EU. Chính phủ Đức đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, về cơ bản họ có thể xem xét việc từ chối tị nạn tại biên giới Đức. Luật sư quốc tế cũng thấy rằng các quy tắc Dublin rất phức tạp, nhưng các nước EU không thể đồng ý về một hệ thống mới./.

TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục