CEO Shinhan Việt Nam: Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

10:19' - 19/03/2018
BNEWS Việt Nam được đánh giá là một quốc gia đang tăng trưởng tốt và có những điều luật kinh doanh, đầu tư khá cởi mở. Đây là một yếu tố khá hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã chính thức hoàn tất thương vụ mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ tại Việt Nam hồi tháng 12/2017. Đây là một trong những thương vụ M&A (mua lại và sáp nhập) đáng chú ý nhất trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong năm qua và được đánh giá là bước tiến xa của Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam.

Phóng viên BNews/TTXVN đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Shin Dong Min, Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam, về thương vụ này cũng như những triển vọng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Shin Dong Min, Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam.

Phóng viên: Mua lại thành công mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ Việt Nam được đánh giá như một bước tiến xa của Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Ông Shin Dong Min: Ngân hàng Shinhan hiện là đối tác quan trọng của các công ty Hàn Quốc có vốn FDI tại Việt Nam. Để có thể phát triển bền vững, Ngân hàng Shinhan cũng cần phát triển song song mảng bán lẻ, bên cạnh mảng doanh nghiệp vốn đã rất ổn định. Bằng cách mở rộng thị trường ngân hàng bán lẻ trong khi vẫn tập trung phát triển mảng ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Shinhan có thể đạt được sự cân bằng tốt nhất giữa hai mảng kinh doanh này.
Thỏa thuận M&A giữa Ngân hàng Shinhan và ANZ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên những ảnh hưởng tích cực không chỉ đến ngành ngân hàng bán lẻ, mà cả nền kinh tế Việt Nam.
Sau thương vụ mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ tại Việt Nam, chúng tôi có thêm 8 chi nhánh mới trên toàn quốc và trên 125.000 khách hàng mới từ ANZ chuyển sang. Đó là một cuộc chuyển mình thật sự và góp phần khẳng định vị thế của Ngân hàng Shinhan trong mảng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.
Phóng viên: Tiếp nối những thành công đã đạt được, mục tiêu và kế hoạch phát triển của Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam trong trung và dài hạn ra sao, thưa ông?
Ông Shin Dong Min: Trong khoảng thời gian sắp tới, Ngân hàng Shinhan sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng bán lẻ, trong đó, chúng tôi sẽ đặc biệt ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm vay tiện ích, đầu tư công nghệ cho ngân hàng số và mở rộng các chương trình ưu đãi dành cho thẻ tín dụng. Song song đó, chúng tôi tiếp tục thu hút đầu tư từ các công ty Hàn Quốc có vốn FDI, cũng như khuyến khích các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, chúng tôi cũng có rất nhiều các chương trình thiện nguyện để hỗ trợ cộng đồng.

Nổi bật nhất là Shinhan Future’s Lab - tổ chức chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp Fintech tiềm năng (Start-Up Fintech) thông qua việc kết nối, cố vấn, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và tìm kiếm nhà đầu tư. Là tổ chức đầu tiên có chức năng này tại Hàn Quốc, Shinhan Future's Lab trực thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan và đến Việt Nam để hỗ trợ các Fintech Việt Nam từ năm 2016.
Đồng thời, chúng tôi cũng có rất nhiều những chương trình khác để hỗ trợ nền giáo dục Việt Nam như học bổng dành cho các sinh viên xuất sắc tại TP. HCM và Hà Nội, trao tặng xe đạp cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại những vùng sâu, vùng xa…
Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về môi trường, điều kiện kinh doanh ở Việt Nam hiện nay và triển vọng đầu tư tại Việt Nam?
Ông Shin Dong Min: Trong vòng 3-5 năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng trong dài hạn, do 60% dân số đang trong độ tuổi lao động (từ 20 đến 59 tuổi). Nguồn lao động dồi dào, sức tiêu dùng tăng mạnh và người dân sẵn sàng vay tiền sẽ là động lực cho thị trường tín dụng cá nhân phát triển. Với tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng ở Việt Nam, các ngân hàng trong và ngoài nước phải cạnh tranh quyết liệt để tăng thị phần.
Nhìn chung, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia đang tăng trưởng tốt và có những điều luật kinh doanh, đầu tư khá cởi mở. Đây là một yếu tố khá hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vì thu hút khá nhiều nhà đầu tư, cũng như sự gia tăng của các thương nhân trong nước, nên tính cạnh tranh ở môi trường này khá cao, đòi hỏi nhà đầu tư phải thích ứng và sáng tạo không ngừng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, Ngân hàng Shinhan được cấp tư cách pháp nhân là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài từ năm 2009.
Tháng 4/2017, Ngân hàng Shinhan chính thức thông báo về việc đồng ý mua lại mảng bán lẻ của ngân hàng TNHH ANZ Việt Nam. Đến tháng 12/2017, thương vụ này hoàn tất.
Từ ngày 18/12/2017, Ngân hàng Shinhan chính thức tiếp nhận từ ANZ toàn bộ khối kinh doanh ngân hàng bán lẻ bao gồm nhân sự của 2 chi nhánh và 6 phòng giao dịch tại TP.HCM và Hà Nội, cùng khoảng 125.000 khách hàng cá nhân của ANZ.
Sau thương vụ này, Ngân hàng Shinhan sẽ vận hành mạng lưới 26 chi nhánh/phòng giao dịch trên toàn quốc, hơn 1.400 nhân sự và tiếp tục giữ ngôi vị ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

>>> Xung quanh việc một số ngân hàng ngoại rút vốn khỏi Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục