Cấp bách khắc phục “thẻ vàng” IUU

16:57' - 10/01/2018
BNEWS Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Cấp bách khắc phục thẻ vàng IUU đối với khai thác hải sản. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Trước quyết định "rút thẻ vàng" của Liên minh Châu Âu (EU) đối với ngành thủy sản Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục "thẻ vàng" IUU.

Theo đó, để ngăn chặn tối đa tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp, xâm lấn vùng biển nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước như: Chỉ thị số 3727 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động; Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định...

Đáng lưu ý, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa có nhiệm vụ hướng dẫn các Ban quản lý cảng cá về thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản, xác nhận nguồn nguyên liệu thủy sản khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá tại cảng.

Ngoài ra, lực lượng thanh tra có nhiệm vụ phối hợp với các bên liên quan tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về thủy sản. Đồng thời, xử lý ở mức cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng với hành vi đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác, trong đó tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản vĩnh viễn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cũng yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản cũng như lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với trạm bờ của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu nghề các theo hướng tích hợp các thông tin về tàu thuyền, hoạt động khai thác, lao động, đăng ký, cấp phép tàu cá tại địa phương.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phối hợp với, Tổng cục Thủy sản, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố ven biển tổ chức 15 lớp tập huấn tuyên truyền về biển đảo, an toàn cho người và tàu cá, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ nguồn lợi thủy sản với hơn 2.000 lượt người tham gia.

Mặt khác, tổ chức phát 10.000 tờ rơi về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 3.000 tờ rơi về vệ sinh an toàn thực phẩm tàu cá; treo 25 băng rôn tuyên truyền về tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản và vệ sinh an toàn thực phẩm tàu cá. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ và người dân về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản có sự chuyển biến tích cực, cơ bản dần đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, việc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định ở Thanh Hóa sẽ gặp không ít khó khăn do nhiều ngư dân còn chưa hiểu biết đầy đủ về Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Luật Biển, Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Một số các chủ tàu đi khai thác ở ngư trường xa, hoạt động trên biển dài ngày, ít khi về đất liền nên không có điều kiện để tham gia các hội thảo, lớp tập huấn. Bên cạnh đó, đời sống của ngư dân ven biển còn nhiều khó khăn nên việc trang bị các trang thiết bị hàng hải như radar, máy thông tin liên lạc tầm xa, máy định vị, hải đồ... còn hạn chế.

Đặc biệt, trình độ và tâm lý chủ quan của thuyền trưởng trong điều động tàu trong điều kiện thời thiết sóng to, gió lớn vì vậy còn nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, bốc dỡ hàng hóa của ngư dân, nhiều hạng mục công trình xuống cấp chưa được duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp...

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực hướng dẫn các địa phương thực hiện củng cố và phát triển các tổ đoàn kết trên biển, hiện toàn tỉnh có 340 tổ đoàn kết trên biển; các tổ đoàn kết trên biển hoạt động hiệu quả đã phát huy được sức mạnh tập thể trong khai thác hải sản, cứu hộ, cứu trợ lẫn nhau, giúp đỡ trong sản xuất, chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên yên tâm vươn khơi bám biển sản xuất./.

>>>Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng IUU đối với khai thác hải sản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục