Căng thẳng thương mại Mỹ-EU: Rủi ro và giải pháp của châu Âu (Phần 3)

05:30' - 18/06/2018
BNEWS Các nước châu Âu cần thích nghi với những cuộc xung đột chính trị liên tục với Washington khi mà nguy cơ về một cuộc chiến thương mại trong quan hệ kinh tế giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể sẽ còn đó.
Trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay cả khi việc áp đặt thuế nhôm và thép không dẫn đến một sự leo thang hoàn toàn, thì tình hình này cũng là một ví dụ minh họa cho trạng thái bình thường mới ở bên kia Đại Tây Dương. 

Nếu Mỹ tiếp tục sử dụng chính sách thương mại như một công cụ chính trị-quyền lực, thì các nước khác có thể ngày càng làm theo tấm gương này, hoặc để tránh một cuộc chiến thương mại hoặc để đáp trả thích đáng các chính sách thương mại của các nước khác. Đây là lý do giải thích tại sao EU cần một giải pháp chiến lược cho các chính sách của Mỹ mà tính tới nguy cơ này. 

Ngoài việc bảo vệ các lợi ích của mình thông qua các biện pháp trả đũa về chính sách thương mại và kinh tế, EU cũng phải có khả năng đưa ra những thỏa hiệp giữa các lĩnh vực chính sách (chẳng hạn, thỏa hiệp về chính sách tài chính trước các nhượng bộ về thương mại), mà không đặt dấu hỏi về vị thế hàng đầu của chủ nghĩa đa phương.

Phản ứng của châu Âu đối với cải cách thuế của Mỹ có thể đóng vai trò là một hình mẫu, như đã được nêu trong một lá thư từ các bộ trưởng tài chính của Đức, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và hai cao ủy EU gửi tới Argentina, nước giữ chức chủ tịch G20 trong năm 2018, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng tài chính tại Buenos Aires vào ngày 19/3. 

Các tác giả đề xuất điều chỉnh việc đánh thuế các công ty công nghệ như Facebook và Google trên quy mô toàn cầu để kiểm soát nạn trốn thuế và tình trạng các quốc gia thi nhau giảm thuế để thu hút đầu tư trên tầm quốc tế. Đồng thời, EU giới thiệu dự thảo của riêng mình về thuế bù trừ đối với các dịch vụ số, mà chủ yếu áp đặt mức thuế cao hơn đối với các công ty Mỹ.

Một thỏa hiệp với Mỹ về vấn đề này có thể được kết nối với một thỏa thuận về chính sách thương mại hoặc các đoạn gây tranh cãi về "Thuế chống lạm dụng và xói mòn cơ sở tính thuế" (BEAT) - một loại thuế mới được áp dụng đối với các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ và không phải của Mỹ mà chuyển các khoản tiền lớn cho các bên ở nước ngoài từ sau ngày 31/12/2017) trong cải cách thuế của Mỹ, mà trên thực tế đồng nghĩa với việc đánh thuế gấp đôi các công ty cung cấp dịch vụ tài chính của châu Âu. 

Việc này không chỉ đòi hỏi phải có sự chuẩn bị nhất định cho tình huống leo thang về phía EU, mà còn cần phải tăng cường các nỗ lực ngoại giao đối với Washington để chuẩn bị cho những nhượng bộ có thể có trên các diễn đàn đa phương và khuyến khích Mỹ tham gia các khuôn khổ đa phương.

Trong "kỷ băng hà" hiện nay trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo chính trị ở cả hai khối là đặc biệt quan trọng đối với mối quan hệ mang tính xây dựng giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Trong khi đó, xét tới các hậu quả tiềm tàng của chính sách thương mại của Mỹ đối với kinh tế thế giới và châu Âu, các cải cách - đặc biệt trong Khu vực Eurozone - đang trở nên quan trọng hơn. Để đảm bảo khả năng chống chịu và ổn định kinh tế của mình, Eurozone trước hết phải xóa bỏ sự phụ thuộc lẫn nhau về tài chính giữa tài chính công và các thể chế tài chính quốc gia.

Ngoài ra, cần áp đặt giới hạn về số lượng trái phiếu chính phủ mà các ngân hàng trong cùng một quốc gia có thể nắm giữ. Việc hoàn thiện liên minh ngân hàng thông qua một hình thức bảo lãnh tiền gửi chung cũng là nhiệm vụ cần thiết.

Ngoài việc tập trung giảm nợ dài hạn, được giám sát bởi cơ chế giám sát độc lập của châu Âu, phải có các cơ chế chia sẻ rủi ro trong trường hợp một cuộc khủng hoảng mới có thể xảy ra, mà đảm bảo việc phân bổ vốn một cách tự động, hiệu quả và minh bạch để ổn định Khu vực đồng euro. 

Xét cho cùng, EU không thể đạt được mục tiêu này mà không có một trái phiếu chung an toàn, chẳng hạn như Trái phiếu an toàn châu Âu (ESB) tổng hợp, và một cơ chế hỗ trợ tài chính để cho các nước vay vốn trong những thời điểm khó khăn theo những điều khoản rõ ràng. Chủ đề này đã gây tranh cãi trong nhiều năm qua khi được đem ra thảo luận giữa các nước thành viên.

Triển vọng kinh tế tích cực trong nội bộ châu Âu kết hợp với mối đe dọa bên ngoài đang gia tăng đối với các nền kinh tế châu Âu hiện có thể góp phần tạo nên một động lực chính trị mang tính xây dựng cho các cải cách kinh tế và thể chế trong EU.

Đồng thời, các quốc gia như Đức, mà sự phản đối chính trị tại nước này đối với các cải cách đã dẫn tới sự trì hoãn liên tục, nên nhận thức được rằng mô hình thặng dư xuất khẩu của họ góp phần đáng kể gây ra vấn đề mất cân bằng thương mại toàn cầu đang trở nên tồi tệ hơn. 

Bên cạnh đó, dưới ảnh hưởng của một làn sóng quốc gia chống toàn cầu hóa, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đang biến đổi từ một cường quốc lãnh đạo toàn cầu của thế kỷ 21 thành một cường quốc phi tự do và làm giàu cho bản thân.

Chính quyền Trump không chỉ làm suy yếu sự đồng thuận quốc tế về chính sách thương mại, mà còn về cơ bản nói lời tạm biệt với cam kết tìm ra các giải pháp dựa trên sự đồng thuận giữa các đồng minh. 

EU từ lâu đã vật lộn để tìm ra một giải pháp chính trị cho các mối đe dọa liên tục và không thể dự đoán từ Tổng thống Donald Trump. Với các biện pháp quan trọng đầu tiên trong tranh chấp thương mại về thuế thép, EU đã đặt mình vào vị thế đó. Từ giờ trở đi, việc bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình một cách chủ động và thực dụng sẽ cần phải là ưu tiên cao nhất đối với EU. 

Khối này không chỉ phải quản lý tình trạng bình thường mới trong mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, mà còn phải tỉnh táo khi đối mặt với Trung Quốc. Các nước thành viên EU nên gia tăng tốc độ thực hiện cải cách thể chế và kinh tế để tăng cường khả năng chống chịu và sự độc lập với bên ngoài của mình. Tuy mối quan hệ giữa Đại Tây Dương đang ở tình trạng xấu, nó vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục