Cần vườn ươm tốt để "gieo mầm" khởi nghiệp

09:29' - 17/08/2016
BNEWS Khởi nghiệp cũng giống như gieo mầm ở một vườn cây. Nếu mầm đó được ươm tạo trong một môi trường tốt, có một hệ sinh thái tốt thì sẽ có những cây khỏe mạnh và khả năng đơm hoa kết trái tốt hơn.
TS. Phan Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển doanh nghiệp và đặc biệt là hoạt động khởi nghiệp.

Chính phủ cũng lấy giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn quốc gia khởi nghiệp và đặt mục tiêu phấn đấu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Để trao đổi rõ hơn về phong trào khởi nghiệp và mục tiêu của Chính phủ, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với TS. Phan Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI.

BNEWS: Chính phủ đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 và cam kết sẽ tập trung hỗ trợ, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp quốc gia. Bà đánh giá như thế nào về nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua cũng như khả năng hoàn thành mục tiêu này?

TS. Phan Thị Thu Hằng: Chúng ta có thể thấy, trong thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và xây dựng những chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân, cá nhân khởi sự doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp sau khi khởi sự.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp tới năm 2020 thì không hề dễ dàng. Tuy nhiên, theo tôi, việc hoàn thành mục tiêu ở đây không quan trọng bằng những vấn đề như: Thứ nhất, là sự tồn tại của doanh nghiệp sau khi bắt đầu khởi nghiệp hoặc đăng ký.

Thứ hai, là làm thế nào để quy mô của doanh nghiệp có thể lớn lên được. Thứ ba, làm thế nào để chúng ta có thêm nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động hiệu quả. Do đó, câu chuyện ở đây chính là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp và sau khi khởi nghiệp.

BNEWS: Bà đánh giá như thế nào về hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam so với các nước trên thế giới?

TS. Phan Thị Thu Hằng: Nếu nhìn từ phía người khởi nghiệp, ta có thể thấy tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam không hề thua kém so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, kỹ năng kinh doanh, khởi nghiệp đặc biệt là nhận thức về công việc kinh doanh của những người khởi nghiệp còn có những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, khởi nghiệp còn thiếu bài bản.

Mặt khác, về phía Chính phủ, trên thực tế, chúng ta cũng đi chậm hơn so với rất nhiều nước trên thế giới. Bởi hiện nay, rất nhiều nước đã bước vào giai đoạn khởi nghiệp sáng tạo. Những từ mà chúng ta đang nhắc đến nhiều như: quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp,… tôi cũng đã nhìn thấy các nước trên thế giới như Hàn Quốc đã nói cách đây 20 năm. Như vậy, rõ ràng chúng ta chậm hơn rất nhiều nước về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

BNEWS: Có nhận định cho rằng, Việt Nam còn thiếu những vườn ươm và thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tốt để nuôi dưỡng cộng đồng khởi nghiệp. Bà đánh giá như thế nào về nhận định này?

TS. Phan Thị Thu Hằng:Tôi đồng ý với nhận định này. Chúng ta có thể hình dung khởi nghiệp cũng giống như gieo mầm ở một vườn cây trên đất trồng. Nếu mầm đó được ươm tạo trong một môi trường tốt, có một hệ sinh thái tốt thì sẽ có những cây khỏe mạnh và khả năng đơm hoa kết trái tốt hơn.

Cần vườn ươm tốt để "gieo mầm" khởi nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Cho đến nay, “vườn ươm” doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ tính trên đầu ngón tay. Vì thế, trong chính sách sắp tới chúng ta cần đầu tư nhiều hơn cho loại hình này. Tuy nhiên, không có nghĩa việc đó cứ phải do nhà nước đầu tư, mà trên thế giới, khu vực tư nhân đang coi đó là một cơ hội kinh doanh.

BNEWS: Thưa bà, những sự vụ cụ thể gần đây như vụ quán cà phê Xin chào, hay việc Ðiều 292 Bộ Luật hình sự gây cản trở cho cộng đồng startup… đang là nỗi lo ngại cho cộng đồng khởi nghiệp. Rõ ràng, môi trường pháp lý của Việt Nam vẫn thiếu sự minh bạch tạo sự rủi ro cho doanh nghiệp. Làm sao để giải quyết vấn đề này?

TS. Phan Thị Thu Hằng: Trước hết, cần quay lại vấn đề nhận thức về việc kinh doanh, nhận thức về vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển của nước ta. Khi còn chưa coi doanh nghiệp là động lực của sự phát triển kinh tế, khi chưa nhìn nhận người dân và doanh nghiệp đóng thuế là để vận hành bộ máy nhà nước thì đôi khi những người làm luật, làm chính sách còn chưa nhận thức được trách nhiệm của họ trong quá trình xây dựng luật, cũng như thực thi pháp luật.

Có nghĩa là phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong công việc kinh doanh, phải kiến tạo để hỗ trợ họ phát triển.

Mặt khác, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp cần đưa tiếng nói của mình cùng với chính phủ xây dựng những luật mới, đảm bảo thực thi chính sách là rất quan trọng.

BNEWS: Trên thế giới, quỹ đầu tư mạo hiểm là mô hình rất có hiệu quả được thiết lập nhằm tạo kênh tài chính bổ sung cho tín dụng ngân hàng và huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Theo bà, Việt Nam có cần phát triển mô hình này hay không?

TS. Phan Thị Thu Hằng: Nói cần thì đúng là cần, nhưng dù có nói không cần thì nó cũng đã phát triển tại Việt Nam nhiều năm nay rồi. Đặc biệt là một vài quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài cũng đã vào Việt Nam và gặt hái được những thành công nhất định.

Nếu chúng ta có những dự án tốt, bên cạnh quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng cần có những quỹ đầu tư khác như quỹ thiên thần hay một số hình thức chưa phát triển lắm ở Việt Nam nhưng cũng bắt đầu phổ biến ở các nước trên thế giới như quỹ cộng đồng, quỹ bạn bè cho bạn bè... Đó là những hình thức huy động vốn tốt cho khởi nghiệp.

BNEWS: Có một thực tế rằng, hầu hết ở các địa phương doanh nghiệp khởi nghiệp là trong lĩnh vực xây dựng. Đây là lĩnh vực không sản xuất ra của cải vật chất và thiếu tính sáng tạo khiến cho "chiếc bánh" thị phần không phát triển và các doanh nghiệp cũng không "lớn" lên được. Bà bình luận gì về vấn đề này?

TS. Phan Thị Thu Hằng: Đây chính là vấn đề vì sao chính phủ phải đặt ra mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa. Có nghĩa, ở bước tiếp theo, chúng ta cần có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ.

Khi đó, có thể sẽ có ít doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng quy mô sẽ tăng lên và giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm cũng sẽ tăng lên. Thậm chí, khi đổi mới sáng tạo, sẽ không có nhiều người khởi nghiệp nữa nhưng lại có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

BNEWS: Xin cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục