Cần đánh giá đúng tác động khi tăng một số loại thuế

22:40' - 13/09/2017
BNEWS Cần đánh giá đúng tác động của việc điều chỉnh tăng một số loại thuế trước khi ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật về thuế.

 Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13/9.

Điều chỉnh hàng loạt chính sách thuế

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: BNEWS/TTXVN

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo Đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế (Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế tài nguyên) nhằm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, Luật thuế giá trị gia tăng được đề xuất điều chỉnh theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh trên thị trường.

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ bổ sung thêm đối tượng chịu thuế nhằm điều tiết tiêu dùng, xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc là, bia rượu, ô tô…

Luật thuế thu nhập doanh nghiệp điều chỉnh theo hướng giảm mức thuế suất chung; bổ sung quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập tính thuế…

Song song đó, Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ được bổ sung phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập chịu thuế; điều chỉnh số lượng thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế và đối tưởng nộp thuế. Luật thuế tài nguyên sẽ sửa đổi, bổ sung theo hướng thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia.; thúc đẩy khai thác tài nguyên gắn liền với chế biến sâu…

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 5 luật về thuế với hơn 30 nhóm đề xuất chính sách mới nếu được ban hành sẽ tác động đến tất cả các thành phần xã hội.

Trong đó, các doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ và rõ nét nhất bởi mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều chịu sự chi phối từ chính sách thuế.

Nhiều điểm mới cần được cân nhắc

Đánh giá nội dung các đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật về thuế, các doanh nghiệp cho rằng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được điều chỉnh theo hướng giảm mức thuế chung sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cụ thể, việc giảm thuế suất sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để sản xuất và đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thêm vào đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là một hình thức khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Ngược lại, nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang nhận được ý kiến lo ngại của cả doanh nghiệp và các chuyên gia. Theo đó, đề xuất đưa hoạt động chuyển quyền sử dụng đất vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất thông thường 10% được xem là không hợp lý.

Ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam cho rằng, quyền sử dụng đất là quyền về pháp lý, trong khi đó quy định hiện hành về thuế giá trị gia tăng không coi các quyền là hàng hóa chịu thuế.

Hơn nữa, đất là tài sản của Nhà nước, khi sử dụng, chuyển nhượng cá nhân, tổ chức đã đóng tiền sử dụng đất và thuế thu nhập cá nhân. Nếu áp thêm thuế giá trị gia tăng vào hoạt động chuyển quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc đánh thuế hai lần cho cùng một đối tượng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với chuyển quyền sử dụng đất sẽ khiến thị trường bất động sản bị “đóng băng”, ảnh hưởng trực tiếp đến những người có nhu cầu thực sự về nhà ở nhưng thu nhập thấp.

Hoặc có thể gia tăng tình trạng mua bán bất động sản bằng giấy tay, không thực hiện giao dịch công khai ở cơ quan công chứng, gây ra nhiều hệ lụy pháp lý về sau.

Đặc biệt, đối với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng mặt hàng đường từ 5% lên 6% đang gây lo lắng cho không ít doanh nghiệp ngành mía đường.

Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp mía đường trong nước đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ do giá thành cao và tình trạng buôn lậu đường diễn biến phức tạp.

Ngành mía đường thực chất là ngành chế biến nông sản, giải quyết đầu ra cho người nông dân. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Nếu tăng thuế giá trị gia tăng từ 5% lên 6% sẽ khiến giá thành sản xuất đường Việt Nam tiếp tục tăng, không thể cạnh tranh với các nước khác; đồng thời tạo điều kiện để hoạt động buôn lậu đường gia tăng.

Thêm vào đó, ngành mía đường thực chất là ngành chế biến nông sản, giải quyết đầu ra cho người nông dân. Đánh thuế cho doanh nghiệp mía đường chính là đánh thuế nông dân, nhưng nông dân lại không được hoàn thuế.

Mặt khác, những lý luận cho rằng đường là nguyên nhân gây ra tình trạng béo phì là chưa thuyết phục. Vì trên thực tế, lượng đường tiêu thụ mỗi người dân Việt Nam đang đang thấp hơn lượng đường tiêu thụ trung bình trên thế giới.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp ngành mía đường đề xuất, nên đưa thuế giá trị gia tăng mặt hàng đường về 0% thay vì tăng lên 6%. Theo đó, đường vẫn là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng nhưng nên điều chỉnh mức thuế cho phù hợp với từng giai đoạn, bối cảnh phát triển của cả ngành hàng.

Cũng liên quan đến mặt hàng đường, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát Việt Nam đề nghị, chưa đưa nước ngọt vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong trường hợp bắt buộc phải thì cần xác định rõ khái niệm “nước ngọt” là nước uống có đường; hay tất cả loại nước uống có vị ngọt, bất kể có đường hay không.

Nếu định nghĩa nước ngọt là nước uống có đường thì nên áp dụng mức thuế theo hàm lượng đường trong sản phẩm. Đồng thời cũng phải áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm có chứa đường khác như bánh, kẹo… mới hợp lý.

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với doanh nghiệp sản xuất nước ngọt được đưa ra nhằm hai mục đích, tăng nguồn thu ngân sách và hạn chế tiêu dùng do lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, cả hai mục đích trên đều không thỏa đáng.

Thứ nhất, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng lên từ đó giảm khả năng tiêu thụ, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm doanh thu, lợi nhuận đồng nghĩa sẽ giảm đóng thuế.

Thứ hai, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh việc sử dụng nước ngọt ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ngược lại, nhiều loại nước ngọt như nước trái cây có đường, sữa đậu nành còn là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng đối với nhiều người.

Từ phản hồi của các doanh nghiệp, Thạc sĩ Trần Minh Hiệp, Giảng viên Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc điều sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế là cần thiết để điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, những người làm chính sách cần có tầm nhìn xa hơn để lường trước những tác động của việc điều chỉnh chính sách đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, toàn bộ xã hội nói chung.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh thu nhập người dân Việt Nam còn ở mức thấp; phần lớn doanh nghiệp lại có quy mô nhỏ, thường xuyên khó khăn về tài chính thì việc điều chỉnh tăng các loại thuế cần được cân nhắc kỹ.

Bởi, nếu chỉ tư duy tăng thuế để tăng thu ngân sách và tăng cường quản lý nhà nước mà không đánh giá hết tác động đối với người nộp thuế thì vô hình chung đang đi ngược lại với các nổ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của chính Nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục