Cán cân được – mất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (Phần 2)

06:30' - 19/07/2018
BNEWS Đối với Trung Quốc hiện nay, nguy cơ lớn nhất không phải là một cuộc xung đột thương mại, mà là việc một quốc gia bá quyền lớn mạnh nhất thế giới đã công khai coi Trung Quốc là đối thủ chính.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN 

Đây là nhận định của Viện trưởng Học viện Kinh tế và Học viện Tài chính thuộc trường Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) Lý Hiểu.
Theo báo Liên hợp Buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, Lý Hiểu đã nêu quan điểm của mình về bản chất của cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, và Trung Quốc nên rút ra bài học gì.

Ông cho rằng cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động là hành vi có tính sỉ nhục nhất mà Mỹ nhằm vào Trung Quốc, “nhưng không còn cách nào, bởi vì chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ”.
Chuyên gia Lý Hiểu chỉ rõ lợi ích quốc gia của Mỹ chính là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo ông, mục đích của Tổng thống Mỹ Trump khi phát động cuộc chiến thương mại có lẽ không chỉ trong lĩnh vực thương mại, mà còn ở vấn đề kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025", nhiều khả năng là thông qua phương thức “chiến tranh thương mại” để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ nhiều hơn, đồng thời có thể đòi Trung Quốc cởi mở hơn trong lĩnh vực tài chính tiền tệ.
Theo Lý Hiểu, đối với những quốc gia thông thường, về kinh tế, cuộc chiến thương mại nhất định sẽ khiến “hai bên cùng thua”, song đối với những nước lớn, vấn đề then chốt nằm ở chỗ ai được mất hơn ai. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy trong cuộc đấu giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa “cường quốc số 1” và “cường quốc số 2”, cái nhiều hơn không phải là những hành động kinh tế, không phải là lấy lợi ích kinh tế làm mục đích, mà là một loại hành vi chính trị quốc tế, đó là lấy lợi ích quốc gia làm mục tiêu.

Trong đó, logic của chính trị là “chỉ cần tôi thắng, đánh bại đối thủ, hy sinh bao nhiêu cũng không quan trọng”.
Lý Hiểu cho rằng nguy cơ lớn nhất mà  Trung Quốc đang đối mặt không phải là một cuộc xung đột thương mại, mà là việc Mỹ - quốc gia bá quyền lớn mạnh nhất thế giới - đã công khai coi Trung Quốc là đối thủ chính, “sử dụng thủ đoạn chiến tranh kinh tế trong thời bình, phát động kiềm chế và tấn công toàn diện nhằm vào Trung Quốc, đồng thời sử dụng thực lực quân sự toàn cầu vượt trội của mình, tiến hành răn đe Trung Quốc ngày càng nhiều, tạo ra xung đột, thậm chí là các cuộc khủng hoảng ở các nước láng giềng nhằm can thiệp vào tiến trình phát triển hòa bình của Trung Quốc”.
Cũng theo Lý Hiểu, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ “về bản chất là một cuộc chiến liên quan đến vận mệnh quốc gia”, sẽ không thể giải quyết trong ngắn hạn.

Ông dẫn chứng tranh chấp thương mại Mỹ-Nhật làm ví dụ, chỉ ra rằng từ những năm 1960 cho đến cuối những năm 1980, tranh chấp thương mại kéo dài tới 30 năm giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản sụp đổ, rơi vào “20 năm mất mát”, trong khi xung đột Trung-Mỹ là một ván bài giữa các nước lớn, e rằng cần ít nhất 50 năm hoặc thậm chí lâu hơn, “tất cả mọi thứ của ngày hôm nay chẳng qua là sự mở đầu một vở kịch lớn của lịch sử”.

Ông đề cập đến việc một số phương tiện truyền thông Trung Quốc “cực kỳ vô trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp, thường lấy cảm xúc mang tính chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi để tác động đến tình cảm của người dân”.

Ông cho rằng vào thời điểm Trung Quốc chỉ ngập những suy nghĩ mù quáng tự cao tự đại, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, đặc biệt là “sự kiện liên quan đến Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc ZTE không chỉ là liều thuốc cảnh tỉnh mạnh mẽ, ngoài thể hiện cách biệt công nghệ lớn giữa Trung Quốc và Mỹ, mà còn làm cho Trung Quốc tỉnh táo ý thức được rằng khó có thể tiếp tục với mô hình kinh tế của Trung Quốc hiện nay, buộc phải cải cách sâu hơn về các mặt cơ cấu kinh tế và cơ chế vận hành kinh tế.
Vì vậy, ngay cả khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ chính thức nổ ra vào đầu tháng 7 này, rất có khả năng hai bên sẽ tiếp tục đàm phán, kịp thời ngăn ngừa “đầu rơi máu chảy”.

Xét cho cùng, “hai bên cùng thua” không phải là sự lựa chọn hợp lý. Đối với chính quyền Trump luôn thay đổi và một Trung Quốc luôn mong muốn “nhân nhượng cho khỏi phiền”, mục đích không phải là “đánh” (tham gia vào cuộc chiến thương mại), mà thông qua “đánh” để giành được nhiều lợi ích thực tế hơn mới là chủ ý của họ./.        

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục