Cải cách thủ tục hành chính trong ngành xây dựng, khó vẫn phải làm

11:53' - 16/12/2017
BNEWS Triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, ngành xây dựng đã cắt giảm đáng kể số lượng thủ tục hành chính.

Theo đó, 43/93 thủ tục hành chính đã được cắt bỏ và hiện chỉ còn 46 thủ tục. Con số này thể hiện một nỗ lực lớn của ngành cho dù những khó khăn vẫn còn nhiều.

Cải cách thủ tục hành chính trong ngành xây dựng, khó vẫn phải làm. Ảnh minh họa: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, không chỉ có số thủ tục được cắt giảm mà ngay cả thời gian về giải quyết thủ tục hành chính cũng giảm được 25% so với trước đây. Ví dụ thời gian thẩm định quy hoạch chi tiết giảm 5 ngày, thời gian về cấp phép xây dựng giảm từ 7-10 ngày, thời gian kiểm tra nghiệm thu giảm 10-20 ngày.

Đáng chú ý, hầu hết các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính từ cấp Trung ương đến địa phương đều thông qua cơ chế một cửa.

Bộ Xây dựng bước đầu áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập hạ tầng kỹ thuật thông tin như phần mềm, máy tính, đường truyền… để tạo tiền đề ứng dụng công nghệ thông tin cấp độ 3 trong việc cấp phép xây dựng và cấp phép nhà thầu nước ngoài.

Từ những kết quả bước đầu về cải cách thủ tục hành chính đã góp phần khẳng định chủ trương đúng của Chính phủ, tạo thông thoáng cho môi trường kinh doanh – Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Trí Anh – Trưởng Ban Đầu tư Phát triển dự án Đô thị và Hạ tầng của Tập đoàn Geleximco nhận xét, việc tập trung vào cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án bất động sản đã tạo những thuận lợi nhất định.

Việc rút ngắn thời gian trình các cấp và ra quyết định về thiết kế, quy hoạch, quyết định về đầu tư giảm được tới 50%. Nhờ đó, tại một số dự án, Tập đoàn Geleximco đã rút ngắn được thời gian thực hiện và đảm bảo tiến độ thi công như kỳ vọng.

Cụ thể như với dự án Ngôi sao An Bình 2 của Geleximco - dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp được Bộ Xây dựng thẩm định để trình Chính phủ với thời gian rút ngắn xuống còn 20 ngày. Theo đó, tiến độ thi công sẽ rút ngắn được rất nhiều và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp là thời gian thu hồi vốn nhanh hơn.

Mặc dù xác định cải cách hành chính là cả một lộ trình dài cần liên tục thực hiện nhưng quá trình triển khai cũng vấp phải những khó khăn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay. Tuy nhiên, có cải cách hành chính mới tạo nên đột phá nên khó cũng phải làm.

Đầu tiên phải kể đến vướng mắc của những người tạo nên thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính. Nếu là việc giảm bớt quyền hành thì về phía Bộ Xây dựng kiên quyết thực hiện, tạo sự đồng thuận cao.

Bên cạnh đó, Bộ đã tăng cường phổ biến và tạo điều kiện cho cán bộ công chức thực hiện thủ tục hành chính để nắm chắc được công việc, hướng dẫn cho người dân để giải quyết thủ tục được thông thoáng, gọn nhẹ, giảm thiểu số lần mà tổ chức, cá nhân phải đến để cấp thủ tục hành chính.

Để tạo thuận lợi cho người dân cũng như cộng đồng các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tiếp tục thiết lập các giải pháp đồng bộ để tiến tới cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính, đem lại môi trường thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.

Theo đó, các thủ tục hành chính vẫn được rà soát, nghiên cứu để xem xét tiếp tục cắt giảm thêm từ 5-10 thủ tục nữa so với con số 46 của hiện tại. Tuy nhiên, song song với việc cắt giảm thủ tục hành chính thì cũng phải đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước với hoạt động xây dựng.

Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ lồng ghép một số thủ tục hành chính được chi phối, điều chỉnh bởi pháp luật khác nhau, thực hiện bởi các cơ quan chuyên môn khác nhau. Đơn cử như, trong thẩm định, thiết kế một dự án có ba nội dung thẩm định về: xây dựng, phòng cháy chữa cháy và môi trường.

Cả ba nội dung này được chi phối, thực hiện bởi ba cơ quan khác nhau. Do đó, Bộ đang đề xuất với Chính phủ để có thể tạo lập một cơ chế lồng ghép ba thủ tục này làm một.

Cùng đó, việc hợp nhất hai thủ tục hành chính liền kề cũng có thể thực hiện được. Hiện nay, trong giai đoạn thẩm định kỹ thuật và cấp phép xây dựng có thể hợp nhất làm một nếu được thực hiện bởi một cơ quan chuyên môn.

Cùng đó, việc phân cấp ủy quyền cần hiểu rõ hơn bởi đây không phải là cách làm giảm thủ tục hành chính nhưng lại có thể đơn giản hóa quy trình thủ tục cho doanh nghiệp và người dân. Như vậy, họ có thể dễ dàng tiếp cận với cơ quan chuyên môn ở địa phương thay vì phải lên Trung ương để thực hiện việc này – Thứ trưởng Lê Quang Hùng phân tích.

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin cũng được áp dụng mạnh mẽ trong việc giải quyết thủ tục hành chính và áp dụng cấp độ 3 không chỉ trong cấp phép xây dựng, cấp phép cho doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài mà còn cả ở việc cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng cùng nhiều phần việc khác.

Các thông tin, hệ thống thống kê cũng được công khai hóa, nhất là việc công khai số liệu những kỳ họp, thông số quy định… để người dân dễ dàng tiếp cận khi xây dựng dự án cũng như xây dựng nhà.

Hiện quản lý hoạt động đầu tư xây dựng đang chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật chuyên ngành khác, liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau.

Mặc dù các quy định pháp luật có liên quan đến đầu tư xây dựng đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ bản đồng bộ, thống nhất nhưng vẫn còn một số tồn tại, chồng chéo, còn có quy định chưa phù hợp với thực tiễn.

Đây cũng chính là những khó khăn bất cập khi thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là thực hiện các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông mà thời gian tới cần tháo gỡ. Điều này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của riêng ngành xây dựng mà cần có sự chung tay của cả các bộ, ngành liên quan.

>>>Quy định mới về phạt hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục