Cải cách thủ tục hàng hải đi vào thực chất

07:13' - 22/11/2016
BNEWS Mục tiêu là tất cả tàu thuyền Việt Nam chạy tuyến nội địa không phải lên trụ sở cảng vụ hàng hải để làm thủ tục mà chỉ cần làm thủ tục qua mạng.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết như vậy khi đề cập tới vấn đề cải cách hành chính của ngành.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

“Đây là điểm đáng chú ý hứa hẹn tạo ra bước ngoặt trong cải cách hành chính của ngành hàng hải khi Cục Hàng hải Việt Nam triển khai thí điểm làm thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam chạy tuyến nội địa tại một số cảng vụ. Sau đó sẽ mở rộng triển khai trên tất cả các cảng vụ", ông Sang nói. 

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, hàng hải là một trong số các ngành thực hiện kết nối với Cổng Thông tin điện tử quốc gia sớm nhất. Cục đã đề xuất cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục tối đa; đồng thời xây dựng, trình Bộ Giao thông vận tải công bố chuẩn hóa 102 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải; niêm yết, công khai thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong quá làm thủ tục hành chính.

Nhận xét về những đổi mới trong thủ tục hành chính của Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, ông Trần Đạo, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải TKV (Quảng Ninh) cho biết, qua 11 năm hoạt động của công ty, sự phối hợp giữa hai đơn vị rất tốt. Nhất là giai đoạn vừa qua, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Điều này đã tạo điều kiện cho hoạt động của công ty được thuận lợi hơn trước nhờ việc giảm được các thủ tục giấy tờ thông qua hình thức trao đổi điện tử giữa hai công ty. Đặc biệt, trong trường hợp có vướng mắc gì giữa các cơ quan đều được phối hợp giải quyết rất nhanh.

Theo ông Vũ Ngọc Bích, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, là một trong những cảng biển lớn của cả nước, cảng biển Quảng Ninh luôn được lựa chọn là nơi đầu tiên thực hiện cải cách thủ hành chính; trong đó có áp dụng thủ tục điện tử. Vì thế, để tiến hành tốt việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực như trang bị máy tính, kết nối internet, cử cán bộ đi tham dự các đợt tập huấn do cơ quan chuyên trách tổ chức..., nên ngay khi thủ tục điện tử cho tàu thuyền được áp dụng các cán bộ của cảng đã thực hiện thuần thục.

Nhân viên Hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Ảnh: TTXVN

“Cơ chế một cửa quốc gia được áp dụng tại cảng biển Quảng Ninh từ giữa năm 2015, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đã phối hợp với các bên liên quan thực hiện tốt thủ tục điện tử cho tàu thuyền xuất, nhập cảnh. Ngoài ra, trong quá trình làm thủ tục luôn tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp tổ chức, cá nhân để kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất sửa đổi thủ tục hành chính cho phù hợp với thực tiễn”, ông Vũ Ngọc Bích cho biết.

Anh Lê Xuân Tiến, cán bộ Công ty TNHH Vận tải Bạch Đằng đang làm thủ tục cho tàu vào khu vực cảng biển Quảng Ninh nhận xét, nhờ cải cách hành chính mà quy trình làm thủ tục cho tàu ra vào cảng ở khu vực Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung được rút gọn nhiều.

Đặc biệt các chủ tàu, chủ hàng đều có thể đăng ký làm thủ tục trực tuyến trước khi tàu cập, rời cảng nên đã rút ngắn được thời gian, tránh được các phiền hà cho doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp không mất nhiều thời gian lên cảng vụ hoàn thiện thủ tục vì trước đó đã trao đổi thông tin với cán bộ cảng vụ từ trước.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, quy trình thủ tục hành chính, các giấy tờ đều được Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh nói riêng, các cảng vụ hàng hải nói chung trên toàn quốc niêm yết công khai tại trụ sở làm việc. Nếu doanh nghiệp đã nộp các giấy tờ qua thủ tục điện tử thì chỉ mất 10-15 phút, thậm chí ít hơn, cán bộ các cơ quan đã hoàn tất thủ tục cho tàu cập, rời cảng.

Đại diện đại lý tàu biển Vietfrach (trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh), Đào Trọng Hùng, chia sẻ, khai báo hồ sơ qua phòng “một cửa” hiện đã đơn giản khá nhiều chỉ còn phải nộp 10 loại giấy tờ thay vì 36 loại như trước kia; khi tàu rời cảng chỉ còn 6 loại giấy tờ so với 17 loại giấy tờ như trước.

Với những cải cách trên, nhiều doanh nghiệp đánh giá chỉ tính riêng tiền thuê tàu, thì mỗi doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cũng tiết kiệm được trung bình hàng trăm triệu đồng/tháng nhờ rút ngắn được thời gian làm thủ tục. Cùng với đó doanh nghiệp cũng giảm được các chi phí cầu cảng, cầu bến, đi lại, nhân công…

Chia sẻ về việc cải cách hành chính của đơn vị mình, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Cảng vụ Hàng hải Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng website và cập nhật liên tục, toàn bộ thông tin hoạt động của ngành, cảng vụ, tàu thuyền, thủ tục hành chính… Việc này nhằm công khai thông tin, thủ tục hành chính tạo điều kiện doanh nghiệp, cá nhân tra cứu, nắm rõ quy định pháp luật, cũng như tăng cường giám sát của người dân đối với hoạt động của cảng vụ. 

“Việc làm thủ tục cho tàu thuyền đã được Cảng vụ triển khai nghiêm túc 24/24h đảm bảo giải quyết thủ tục kịp thời, nhanh chóng với thời gian ngày càng được rút ngắn. Cảng vụ thường xuyên rà soát, kiểm tra, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện có, lấy chất lượng phục vụ làm tiêu chí để hoạt động và phát triển”, ông Nguyễn Hải Nam nói.

Cũng theo người đứng đầu Cảng vụ Hàng hải Tp. Hồ Chí Minh, từ ngày 1/3/2016, thực hiện chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Tp. Hồ Chí Minh thực hiện thủ tục điện tử cho tàu biển Việt Nam hành trình trên tuyến nội địa. Với chương trình này, cán bộ cảng vụ có thể tiếp nhận, phê duyệt các bản khai, kiểm tra các giấy chứng nhận tàu và chứng chỉ chuyên môn thuyền viên Việt Nam hoàn toàn qua mạng. Đại lý, chủ tàu không phải mang hồ sơ lên trụ sở cảng vụ để nộp và xuất trình.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Nam cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai nội dung trên cũng gặp một số tồn tại, khó khăn cần khắc phục để đạt hiệu quả hơn nữa. Việc thanh toán phí, lệ phí hàng hải hiện nay chủ yếu bằng tiền mặt được người làm thủ tục nộp ngay tại trụ sở cảng vụ.  Mặc dù đã triển khai thủ tục hành chính điện tử nhưng cảng vụ chưa thể cấp giấy phép rời cảng trực tuyến do chưa triển khai chữ ký số…

Ông Vũ Ngọc Bích, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cho rằng, để việc cải cách thủ tục hành chính thông qua triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia đạt hiệu quả cần thiết kiến nghị cơ quan chủ trì thực hiện: Hoàn thiện dự thảo quy chế thực hiện trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; hoàn thiện các tính năng, bổ sung các tiện ích tra cứu, tìm kiếm thông tin trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia.

Ngoài ra, ông Bích đề xuất cần cho phép sử dụng chữ ký điện tử để cảng vụ có thể cấp giấy phép rời cảng trực tuyến (giấy phép rời cảng điện tử). Cùng với đó là triển khai thanh toán, cấp hóa đơn điện tử để người làm thủ tục không phải lên cảng vụ nhận hóa đơn cảng phí, nâng thủ tục điện tử cho tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa lên cấp độ 4./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục