Cải cách tài chính ở EU hậu khủng hoảng tài chính được hiện thực hóa

14:54' - 04/01/2018
BNEWS Bộ quy định mới có tên gọi "Các thị trường trong sắc lệnh về các công cụ tài chính II" (gọi tắt là MiFID II) của Liên minh châu Âu (EU) đã có hiệu lực kể từ ngày 3/1.

Bộ quy định MiFID II, cải cách mới nhất trong số những cải cách lớn được thực hiện sau khủng hoảng tài chính, hứa hẹn nâng cao tính minh bạch và trung thực của thị trường tài chính, đồng thời bảo vệ nhà đầu tư hiệu quả hơn, ngăn chặn nguy cơ tái diễn khủng hoảng.
MiFID II lẽ ra đã phải được thực thi kể từ tháng 1/2017 nhưng được hoãn lại một năm để các công ty tài chính có thời gian thích ứng. Một số cơ quan điều hành thị trường ở Đức, Anh và Pháp thậm chí còn được cho thêm thời gian, có những trường hợp đến tháng 7/2020. Và sắc lệnh này còn phải được hơn một nửa số nước thành viên EU phê chuẩn thành luật trước khi được thực thi đầy đủ. MiFID II là bộ quy định mới kế thừa bộ quy định hẹp hơn được thực hiện từ tháng 11/2007.
Hai khía cạnh chính trong bộ quy định mới là tính minh bạch và việc bảo vệ các nhà đầu tư, nhằm đảm bảo rằng các công ty tài chính đảm bảo lợi ích tốt nhất của khách hàng khi cung cấp dịch vụ.

Được thông qua vào tháng 5/2014 sau sáu năm soạn thảo, sắc lệnh mới dài hàng trăm đoạn sẽ khắc phục những điểm yếu của thị trường tài chính đã lộ rõ trong suốt cuộc khủng hoảng năm 2008 và 2009, đồng thời nhằm tăng cường bảo vệ các nhà đầu tư lẻ và nhà đầu tư là các tổ chức, thay vì chỉ bảo vệ các nhà đầu tư lẻ như trước, với những cảnh báo về biến động mạnh đối với các khoản đầu tư của họ.
Sắc lệnh yêu cầu các công ty tài chính phải minh bạch hơn với các khoản đầu tư chứng khoán và mở rộng ra các cộng cụ tài chính khác như trái phiếu và các sản phẩm phái sinh, nếu không sẽ bị phạt. Khi đưa ra các sản phẩm đầu tư mới, các công ty phải xác định các khách hàng mục tiêu để đảm bảo các sản phẩm này không được bán cho các nhà đầu tư không phù hợp.

Các liên lạc nội bộ hay ra bên ngoài cũng phải được ghi lại và nếu cần thiết thì phải cung cấp cho khách hàng.

Các công ty tài chính cũng sẽ phải cung cấp thông tin chi tiết cho khách hàng về giá của các sản phẩm và dịch vụ cùng với tác động của mức giá đó đến lợi nhuận đầu tư, phí giao dịch các công cụ tài chính, đặc biệt là tách biệt giữa phí và hoa hồng, nhằm làm rõ lợi nhuận của các bên trung gian và hạn chế các giao dịch trực tiếp được xem là rất mập mờ.

Các giao dịch điện tử với tốc độ cao cũng sẽ bị kiểm soát chặt hơn để tránh gây biến động cho các thị trường tài chính.

Ngoài ra, sắc lệnh buộc các ngân hàng và các nhà môi giới phải tính phí với các nghiên cứu mà các nhà phân tích của họ thực hiện giúp các khách hàng là quỹ đầu tư và các nhà quản lý danh mục đầu tư đưa ra các quyết định về các công ty hay số liệu kinh tế.
Theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's, các quy định mới sẽ buộc tất cả các công ty tham gia vào việc phát hành và giao dịch các công cụ tài chính ở châu Âu tuân thủ một khuôn khổ pháp lý mới chặt chẽ hơn.
Các ngân hàng, các nhà quản lý tài sản, các công ty môi giới và các tổ chức điều hành thị trường khác đều phải thực hiện các quy định mới và cung cấp bằng chứng cho các cơ quan giám sát thấy rằng họ đang chấp hành luật.

>>>Anh muốn đưa các dịch vụ tài chính vào thỏa thuận thương mại với EU

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục