Các tỉnh Tây Nguyên thu hút vốn đầu tư tăng gấp đôi năm trước

14:07' - 22/12/2017
BNEWS Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện các tỉnh Tây Nguyên ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư đến xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Các tỉnh Tây Nguyên thu hút vốn đầu tư tăng gấp đôi năm trước. Ảnh minh họa: TTXVN
Chỉ riêng năm 2017, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút được 235 dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 103.357 tỷ đồng, tăng gần 203% so với năm 2016 và 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn gần 110 triệu USD.
Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai là những địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đăng ký triển khai các dự án xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Chỉ riêng Đắk Lắk, năm 2017 có 75 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 4.000 tỷ đồng, tăng 17,19% số lượng dự án và tăng 2,46 lần so với tổng vốn đăng ký.
Hàng chục dự án lớn sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành và đi vào hoạt động như tổ hợp khách sạn 5 sao của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên; Trung tâm tổ chức hội nghị, dạ tiệc thương mại của HTX Thương mại- Dịch vụ Hoàng Lộc; Trường mầm non Tây Nguyên; cơ sở sản xuất gạch không nung,vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Vũ; trang trại nuôi lợn giống, lợn thịt của Công ty đầu tư phát triển Vương Thành…
Việc xúc tiến đầu tư của các tỉnh Tây Nguyên đã có bước đổi mới, ngoài việc tổ chức các hội nghị, biên tập tài liệu xúc tiến đầu tư, quảng bá, công khai cụ thể các dự án thu hút đầu trên các cổng thông tin điện tử, Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh còn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là cải thiện cách ứng xử của bộ máy chính quyền, cải cách các thủ tục hành chính sao cho nhanh chóng, gọn nhẹ nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã công khai minh bạch các chính sách ưu đãi đầu tư về thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
Cụ thể như tại tỉnh Đắk Lắk, đối với các huyện, thị xã, tỉnh đã có chính sách miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, miễn từ 11 năm trở lên trong thời gian tiếp theo.
Tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, miễn từ 7 năm trở lên trong thời gian tiếp theo (tùy theo lĩnh vực đầu tư).
Tại các huyện, thị xã miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế…
Các tỉnh Tây Nguyên cũng chú trọng quy hoạch hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, thông tin viễn thông, điện, nước, quỹ đất sẵn có…nhằm tạo thuận cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo …/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục