Các nước xuất khẩu khí đốt hướng đến một thị trường ổn định và minh bạch

16:13' - 21/11/2017
BNEWS Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) lần thứ 4 sẽ diễn ra vào ngày 24/11 tại Santa Cruz, Bolivia.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần này, một hội thảo quốc tế và một cuộc họp giữa các Bộ trưởng dự kiến được tổ chức ngày 22/11.

GECF hiện được coi là nền tảng duy nhất cho trao đổi và hơp tác giữa các nước sản xuất và xuất khẩu khí đốt. Các cuộc gặp gỡ trong khuôn khổ của GECF cho phép đối thoại giữa các nhà sản xuất khí đốt và các quốc gia tiêu thụ nhằm đảm bảo sự ổn định và minh bạch của thị trường, cũng như đề ra một mức giá phù hợp cho tất cả các bên.

Thành lập vào 2008 tại Moskva do Nga cùng Iran, Qatar, Venezuela và Algeria là thành viên sáng lập. Sau đó, GECF đã thu hút sự tham gia của 7 nước khác là Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Guine Xích đạo, Libya, Nigeria và Trinidad & Tobago.

Các nước GECF hiện nắm giữ 2/3 sản lượng khí đốt toàn cầu. Trong đó, Algeria hiện giữ vị trí thứ 9/10 quốc gia sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới với sản lượng 83 tỷ m3 khối (theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2014) .

Cựu Bộ trưởng Năng lượng Algieria, Noureddine Boutarfa, cho rằng Algeria cần hợp tác với các đối tác nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về một mức giá “công bằng” - cho phép bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và các khách hàng, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt hiện nay tại châu Âu - thị trường chính của khí đốt Algeria.

Nga, cùng với Algeria, Qatar và Na Uy là những nhà cung cấp khí đốt chủ yếu cho châu Âu, đang cảm nhận được sự đe doạ đến từ khí đá phiến của Mỹ vốn đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường “cựu lục địa”.

Na Uy là quốc gia đầu tiên tại châu Âu nhập khẩu khí đốt của Mỹ vào tháng 3/2016. Sau đó, đến Anh và Ba Lan cũng đã tiếp cận nguồn khí đốt “phi truyền thống” này. Các chuyên gia dự báo “cuộc tấn công” của Mỹ sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2022 Mỹ sẽ sản xuất hơn 1/5 lượng khí đốt toàn cầu, đưa nước này đứng ngang hàng với những nhà xuất khẩu khí đốt chủ chốt như Nga, Na Uy. Ngoài việc nhập khẩu khí đốt đá phiến của Mỹ, các dự án đường ống dẫn khí (Trans Adriatic và Trans Anatolian) trong vài năm tới sẽ cho phép cung cấp cũng như đảm bảo an ninh khí đốt cho châu Âu trong dài hạn.

Trước tình hình này ông Boutarfa nhấn mạnh các nước xuất khẩu khí đốt cần được tổ chức tốt hơn để bảo vệ lợi ích của họ, bao gồm cả việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khí đốt đang dần cạn kiệt và không thể tái tạo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục