Các nước kém phát triển khó đạt mục tiêu tăng trưởng vào đầu thập niên tới

21:55' - 25/09/2016
BNEWS các nước kém phát triển nhất thế giới (LDC) sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng và tăng năng suất mà họ đặt ra vào năm 2021, nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía cộng đồng quốc tế.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Jan Eliasson. Ảnh: un.org
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Jan Eliasson ngày 24/9 cảnh báo rằng các nước kém phát triển nhất thế giới (LDC) sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng và tăng năng suất mà họ đặt ra vào năm 2021, nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía cộng đồng quốc tế.

Trong bài phát biểu bên lề hội nghị cấp cao hàng năm của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra ở New York, Phó Tổng thư ký Eliasson cho rằng nếu cộng đồng quốc tế không tăng cường hỗ trợ các nước kém phát triển trong vòng 5 năm tới trên tất cả các lĩnh vực thì khả năng hoàn thành Chương trình Hành động Instabul vào năm 2021 là không thể.

Chương trình Hành động Instabul, được thông qua trong một hội nghị của LHQ vào năm 2011, đã đặt ra những mục tiêu mà LDC phải đạt được vào năm 2021, trong đó có tăng trưởng kinh tế bền vững bằng cách nâng cao năng lực sản xuất, bồi dưỡng nguồn nhân lực và phát triển xã hội đi kèm với bình đẳng giới và trao thêm quyền cho phụ nữ. Cùng với đó, nâng cao các nguồn lực tài chính và khả năng quản trị tốt cũng được chú trọng.

Quan chức của LHQ khẳng định các nước kém phát triển cần trợ giúp để đa dạng hóa sản xuất, thúc đẩy thương mại và khả năng chịu đựng những cú sốc từ bên ngoài.

Hiện, dân số của LDC đang ở mức trên 880 triệu người, tương đương 12% tổng dân số thế giới, nhưng chỉ đóng góp chưa đến 2% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và chiếm 1% tổng thương mại hàng hóa của thế giới. Những yếu tố cản trở sự tiến triển của các quốc gia này có thể kể đến như vấn đề cơ cấu hạ tầng, thiên tai, dịch bệnh, các cuộc xung đột và hậu quả xung đột cũng như tình trạng biến đổi khí hậu.

Phó Tổng thư ký Eliasson cũng lưu ý rằng có nhiều nước kém phát triển đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ làn sóng người tị nạn, di cư và kêu gọi các nước tài trợ thực hiện cam kết phân bổ ít nhất 0,2% GDP quốc gia vào nguồn tiền Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) dành cho LDC.

Tuy nhiên, “chỉ mình ODA là không đủ”, ông nói, các nước kém phát triển cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao nguồn lực trong nước bằng cách bồi dưỡng năng lực, chú trọng phát triển khu vực tư nhân và có những chính sách can thiệp tốt hơn vì phát triển bền vững phụ thuộc nhiều vào sự lãnh đạo của một quốc gia, củng cố chế độ dân chủ, pháp quyền, bình đẳng giới cũng như sự giải phóng đối với phụ nữ và trẻ em tại quốc gia đó. Ngoài ra, các hình thức hợp tác công tư cũng cần được chú trọng.

Trong bài phát biểu của mình, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định cam kết của LHQ hậu thuẫn LDC trên tất cả các lĩnh vực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục