Các nhà giao dịch chứng khoán châu Á thận trọng trước tương lai của các cải cách thuế ở Mỹ

16:40' - 28/11/2017
BNEWS Các nhà giao dịch chứng khoán ở châu Á thận trọng trong phiên 28/11, với thị trường Trung Quốc biến động, trong khi lo ngại gia tăng về tương lai của những cải cách thuế ở Mỹ.
Các nhà giao dịch chứng khoán châu Á thận trọng trước tương lai của các cải cách thuế ở Mỹ. Ảnh minh họa: TTXVN

Sau nhiều tháng các thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm, các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng khi lo ngại giá một số cổ phiếu có thể quá cao, mặc dù đồng bitcoin tiếp tục tăng giá lên mức cao kỷ lục và trên đà phá mốc 10.000 USD.

Khép lại phiên giao dịch biến động, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,34%, lên 3.333,66 điểm và chỉ số này giảm hơn 3% kể từ phiên 22/11, khi các nhà giao dịch ở Đại lục lo ngại Chính phủ Trung Quốc kiểm soát các giao dịch rủi ro. Cũng tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong chốt phiên giảm 5,34 điểm, xuống 29.680,85 điểm.
Một cảnh báo của các nhà chức trách Trung Quốc tuần trước về đà tăng giá mạnh của một trong những mã cổ phiếu dẫn đầu đã gây thêm lo ngại. Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh việc thiếu sự can thiệp của các doanh nghiệp nhà nước đang cho thấy sự sẵn sàng trong việc để giá giảm nhằm hạ nhiệt thị trường. Trong khi đó, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường của AxiTrader, Greg McKenna, cho rằng việc một số số liệu gần đây không được như dự báo đang gây quan ngại về nền kinh tế Trung Quốc và báo cáo cập nhật hàng tháng về nền kinh tế nước này được công bố trong khoảng hai tuần đầu tiên của tháng 12 sẽ là rất quan trọng.
Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,04%, hay 9,75 điểm, xuống 22.486,24 điểm, khi nhà đầu tư e ngại sau khi các nguồn tin cho biết Chính phủ Nhật Bản đang ở trong tình trạng báo động sau khi thu được các tín hiệu vô tuyến cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo. Thị trường Hàn Quốc tăng 0,3%, sau khi chứng kiến hoạt động bán tháo vào đầu phiên, cũng do diễn biến liên quan đến Triều Tiên.
Sự chú ý đang được hướng đến Mỹ, khi các thượng nghị sỹ nước này dự kiến sẽ bỏ phiếu cho kế hoạch cắt giảm thuế theo đề xuất của Tổng thống Donald Trump, nhưng có những nhận định cho rằng đảng Cộng hòa có thể không có đủ số phiếu cần thiết để thông qua. Dự luật cải cách thuế nếu được thông qua sẽ tiếp sức cho các thị trường toàn cầu và ngược lại có thể dẫn đến sự điều chỉnh của các thị trường. Khả năng ông Trump thúc đẩy các biện pháp cắt giảm thuế có lợi cho thị trường, tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đơn giản hóa các thủ tục đã tạo đà đi lên cho các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, những tranh cãi trong nội bộ đảng Cộng hòa đã gây lo ngại cải cách thuế có thể thất bại giống như cải cách y tế.
Trong tuần này, một loạt sự kiện khác có thể sẽ tác động đến diễn biến trên các thị trường như cuộc điều trần của ông Jerome Powell, người được ông Trump đề cử vào vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed đương nhiệm Janet Yellen cũng sẽ có bài phát biểu và các số liệu chính thức về tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ được công bố.
Trên thị trường tiền tệ, đồng bitcoin chạm mức đỉnh mới 9.895,68 USD, tiến gần tới mốc 10.000 USD và điều này đang gây lo ngại về nguy cơ bong bóng. Đồng tiền ảo mạnh nhất thế giới này đã bứt lên từ mức thấp của năm 2017 là 750 USD và tăng hơn 16% kể từ ngày 24/11. Giới phân tích cho rằng việc đồng tiền này tăng giá mạnh đã hấp dẫn những người đầu cơ "lướt sóng" khi giá cổ phiếu toàn cầu được cho là quá cao.
>> Xem thêm: Reuters: Kế hoạch cắt giảm thuế của Mỹ ít có khả năng được thông qua trong năm nay


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục