Các ngân hàng Iran “lao đao” vì Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân

10:52' - 09/05/2018
BNEWS Trước khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran, nhiều người dân nước này đã rút hết tiền tiết kiệm và gây căng thẳng cho hệ thống ngân hàng vốn bị cô lập nhiều năm.

Một quan chức thuộc ngân hàng quốc doanh Melli Bank lớn nhất Iran cho biết số tiền gửi tiết kiệm đã giảm nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Quan chức này nhận định đây chỉ là hiện tượng mang tính nhất thời và hệ thống ngân hàng tại Iran sẽ phục hồi sau khi những bất ổn liên quan tới quyết định mới nhất của Tổng thống Trump kết thúc.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương Iran cho biết tình hình của hệ thống ngân hàng nước này đã xấu đi trong năm qua và vẫn chưa thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Song vị quan chức này cũng nói thêm rằng ngân hàng trung ương đã chuẩn bị tất cả các biện pháp sẵn sàng ngăn chặn bất cứ cuộc khủng hoảng nào.
Đồng nội tệ rial của Iran đã mất gần một nửa giá trị trong thời gian sáu tháng tính đến tháng 4/2018 do những dự đoán về việc Mỹ sẽ trở nên cứng rắn hơn, qua đó buộc Tehran phải cấm các giao dịch ngoại hối trong nước và giới hạn lượng ngoại tệ được nắm giữ trong khoảng 12.000 USD.

Nhưng điều này đã không ngăn được người dân Iran cố gắng mua ngoại tệ trong hôm thứ Ba (8/5) vừa qua, khiến đồng rial càng mất giá mạnh, theo một trang web về giao dịch ngoại hối.
Sự suy giảm niềm tin càng làm Tổng thống Iran Hassan Rouhani “đau đầu” trong việc giải quyết một loạt các vấn đề "nóng" trong nước như các khoản đầu tư đã “cạn kiệt” trong khi các ngân hàng hạn chế cho vay, tăng trưởng giảm tốc và thất nghiệp ở mức cao kỷ lục.
Liên quan đến phản ứng quốc tế đối với khả năng Iran bị Mỹ tái áp đặt các trừng phạt kinh tế, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố EU xác định bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc, đồng thời bày tỏ đặc biệt lo ngại trước thông báo của Tổng thống Donald Trump về khả năng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.
Đến thời điểm hiện tại, các quốc gia châu Âu không ủng hộ chính sách của Mỹ. Các chính phủ Pháp, Đức và Anh ngày 8/5 đều khẳng định những nước này muốn ở lại với thỏa thuận.

Về phần mình, Liên hợp quốc hối thúc các nước ký thỏa thuận hạt nhân Iran tuân thủ những cam kết của mình sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, đồng thời nhấn mạnh những quan ngại liên quan đến việc thực thi thỏa thuận hạt nhân cần phải được giải quyết thông qua những cơ chế được thiết lập trong thỏa thuận.
Xem thêm:

>>>Vấn đề hạt nhân Iran: Giới chuyên gia dự báo những tác động tới giá dầu thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục