Các nền kinh tế ASEM chia sẻ kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu

21:26' - 19/06/2018
BNEWS Ba Lan giới thiệu với đại biểu các nền kinh tế ASEM về dự án nâng cao năng lực của Chính phủ
Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) về ứng phó biến đổi khí hậu hướng đến phát triển bền vững đang diễn ra tại thành phố Cần Thơ ngày 19/6, các đại biểu từ các nền kinh tế thành viên trong khu vực đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp đang được áp dụng hiệu quả trong ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm nước biển dâng, hạn hán, cháy rừng và tiết kiệm năng lượng.
Ông Filip Kusmierski, Chuyên gia về Chính sách biến đổi khí hậu, Bộ Môi trường Ba Lan cho biết, ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, giải pháp then chốt nhất chính là giảm lượng khí thải các bon vào môi trường thông qua các dự án nghiên cứu, phát triển và thúc đẩy sử dụng các dạng năng lượng “sạch” trong sinh hoạt và sản xuất, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt, pin nhiên liệu…
Tại hội nghị lần này, Ba Lan giới thiệu với đại biểu các nền kinh tế ASEM về dự án nâng cao năng lực của Chính phủ và các bên liên quan nhằm thu thập, quản lý, phân tích và sử dụng dữ liệu ngành năng lượng trong việc ra quyết định, cũng như hỗ trợ xây dựng các kế hoạch hành động tăng trưởng xanh trong phát triển đô thị.
Dự án bao gồm các hoạt động cải thiện chính sách thuận lợi cho đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch; tăng ưu đãi thị trường cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế ứng dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến về năng lượng và năng lượng tái tạo. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu các nguồn năng lượng thay thế có sẵn trong thiên nhiên, không gây ô nhiễm, không bị cạn kiệt nhằm tiết kiệm năng lượng hóa thạch cho tương lai.
Ngoài ra, dự án còn thực hiện tăng cường giảm phát thải nhà kính trong ngành xây dựng bằng cách khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Cùng đó, áp dụng các giải pháp quy hoạch – kiến trúc đô thị và thiết bị kỹ thuật công trình có hiệu suất cao nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; thực hiện xử lý chất thải đô thị bằng các giải pháp công nghệ tiên tiến phù hợp.
Một giải pháp khác nhằm giảm phát thải nhà kính, theo bà Diji Chandrasekharan Behr, Chuyên gia cao cấp về môi trường, Ngân hàng Thế giới đó là thực hiện thúc đẩy sử dụng bền vững và tăng cường khả năng chống chịu cho tài nguyên đất nông nghiệp.
Bà Diji Chandrasekharan Behr chia sẻ, theo các nghiên cứu gần đây, tình trạng thoái hóa đất nông nghiệp hiện đang ngày càng phổ biến tại nhiều nền kinh tế thuộc ASEM; trong đó có Việt Nam, với trên 50% diện tích đất tự nhiên trên cả nước đang có nguy cơ bị xói mòn và rửa trôi, đe doạ cân bằng sinh thái và phát triển kinh tế quốc gia. Nếu không sớm khắc phục, một cuộc khủng hoảng về đất trồng gây hủy hoại các nguồn cung ứng lương thực và làm tăng nguy cơ nạn đói trên toàn khu vực là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Về biện pháp cải thiện sử dụng đất nông nghiệp bền vững, chống suy thoái phổ biến nhất hiện nay, bà Diji Chandrasekharan Behr cho rằng, đó là sử dụng công nghệ tiên tiến tiến hành điều tra thực địa nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như thay đổi trong nhiệt độ và lượng mưa hoặc nước biển dâng gây ngập mặn.
Bên cạnh đó, thực hiện mô hình hoá khô hạn và ngập úng với sự hỗ trợ của phần mềm tính khả năng bốc thoát hơi tiềm năng; sử công cụ của hệ thống thông tin địa lý để đưa ra số liệu và phân bố không gian của các đơn vị đất bị tác động bởi biến đổi khí hậu và sự thay đổi các loại hình sử dụng đất. Từ đó, xây dựng các giải pháp thích ứng để sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đất nông nghiệp của từng vùng.
Ông Robbert Moree, Cố vấn chiến lược, Bộ Cơ sở hạ tầng và quản lý nguồn nước, Hà Lan nêu lên một mô hình ứng phó với nước biển dâng đang được áp dụng rất hữu hiệu tại Hà Lan là “Xây dựng cùng với tự nhiên” – tận dụng cát tự nhiên để củng cố lại đường bờ biển. Sắp tới, Hà Lan sẽ chia sẻ các giải pháp và công nghệ ứng phó với nước biển dâng với các thành phố vùng đồng bằng châu thổ trên thế giới; trong đó, có thành phố Cần Thơ của Việt Nam.
Bà Elain Joyce Borejon, Ban Nghiên cứu chính sách và phát triển, Ủy ban Biến đổi khí hậu Philippines cho hay, Philippines cũng là một trong những quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mực nước biển dâng. Vì vậy, Philippines đã xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cơ sở khoa học để các Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch hành động cụ thể.
Đồng thời, các công trình hồ chứa cũng sẽ được cải thiện chức năng, các lưu vực sông được quy hoạch hợp lý. Bên cạnh đó, nước này còn thực hiện đánh giá rủi ro khí hậu cho từng vùng cụ thể để có kế hoạch ứng phó phù hợp. Theo bà Elain Joyce Borejon, các quốc gia cần lồng ghép việc ứng phó biển đổi khí hậu vào các chính sách phát triển đất nước.
Bàn về tiết kiệm năng lượng và an ninh năng lượng, ông Christian Brix Moller, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho rằng, công tác tuyên truyền giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Theo ông Christian Brix Moller, tại Đan Mạch, trẻ em đã được giáo dục sử dụng tiết kiệm năng lượng. Mỗi gia đình sẽ được cấp một giấy chứng nhận tình trạng sử dụng năng lượng, gia đình nào chưa đạt yêu cầu sẽ được hướng dẫn các biện pháp dùng năng lượng hiệu quả.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao), Trưởng SOM ASEM Việt Nam nhấn mạnh, bên cạnh việc thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, ASEM cũng khuyến khích thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế trong khu vực, theo phương thức các nền kinh tế phát triển sẽ tăng cường hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ. Điều này giúp nâng cao năng lực cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những nơi dễ bị tổn thương trước tác động của biển đổi khí hậu. Qua đó, xây dựng một ASEM “xanh” hơn, thu hẹp khoảng cách về tăng trưởng xanh giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục