Brexit: EU muốn nước Anh làm rõ quan điểm về mô hình kinh tế trong tương lai

07:02' - 15/11/2017
BNEWS Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit Michel Barnier đã đặt ra câu hỏi hóc búa cho chính phủ đang gặp nhiều rắc rối của Thủ tướng Theresa May.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/ TTXVN

Câu hỏi đó là liệu nước Anh muốn xóa bỏ những quy định và đi theo mô hình kinh tế-xã hội của Mỹ hay tiếp tục duy trì xu thế chủ đạo của châu Âu.

Tờ The Guardian dẫn lời ông Barnier cho biết khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross kêu gọi nước Anh hãy đi con đường khác với Liên minh châu Âu (EU) để hội nhập tốt hơn với những nước khác, hướng tới việc giảm bớt những quy định đối với vấn đề môi trường, vệ sinh, thực phẩm, và có thể là cả các vấn đề tài chính, ngân sách và xã hội, ông Barnier đã đặt câu hỏi rằng: sau khi Vương quốc Anh lựa chọn rời khỏi EU, liệu nước này có định từ bỏ cả mô hình của châu Âu hay không?

Những khuôn khổ pháp lý của EU đã đem lại cho liên minh những sự lựa chọn cơ bản như nền kinh tế thị trường xã hội, chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực, quy định tài chính công bằng và hiệu quả…, và ông Barnier cho rằng nước Anh cần quyết định xem họ có muốn gắn bó với mô hình này của châu Âu nữa hay không.

Câu trả lời của London rất quan trọng bởi nó sẽ định hướng cho những cuộc thảo luận về tương lai mối quan hệ giữa nước Anh và EU cũng như các điều kiện để thực hiện quá trình rời bỏ EU của quốc gia này.

Trong chuyến thăm nước Anh, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross cho biết ông hy vọng những bước đi đầu tiên trong thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ sẽ thu được kết quả, nhưng ông cũng muốn Chính phủ Anh lược bớt những quy định mà ông cho rằng không dựa trên nền tảng khoa học, chẳng hạn như việc cấm nhập khẩu thịt gà có sử dụng chất khử trùng có chlorine trong quá trình xử lý/chế biến của Mỹ.

Ông Ross coi EU là những nước theo chủ nghĩa bảo hộ khi không đồng ý nhập khẩu mặt hàng này vào thị trường châu Âu.

Ông Barnier đưa ra những nhận xét trên trong bối cảnh các cuộc đàm phán Brexit giữa nước Anh và EU đã được nối lại mà không có sự tham gia của trưởng đoàn hai bên. Ông Barnier cho biết EU sẽ không cho phép nước Anh giảm bớt những quy định hiện hành của EU và cho rằng sẽ không có mối quan hệ thương mại gần gũi nếu không có sân chơi bình đẳng.

Ông Barnier cũng nhấn mạnh đã đến lúc nước Anh phải công bố rõ ràng con số mà nước này sẵn sàng chi trả trong “hóa đơn ly dị” mà EU ước tính là 60 tỷ euro.

Đức hiện đang dẫn dắt 27 nước thành viên EU trong việc kêu gọi đoàn đàm phán của liên minh có lập trường cứng rắn hơn nữa trong các cuộc đàm phán Brexit. Điều này đẩy Chính phủ nước Anh vào thế khó khi mà London không thể đàm phán về tương lai mối quan hệ với EU nếu như họ không đưa ra một con số cụ thể về vấn đề thanh toán hóa đơn Brexit trong vài tuần tới.

Tại cuộc họp của các đại sứ diễn ra tối 8/11, 27 nước thành viên EU bày tỏ sự "thất vọng và ngạc nhiên" khi chính phủ của Thủ tướng May không đưa ra được quan điểm cụ thể của nước này về cam kết đóng góp cho ngân sách EU một khi London rời “mái nhà chung”.

Một quan chức ngoại giao cao cấp của EU cũng cho biết ông Barnier đang chịu sức ép bởi một số nước thành viên mong muốn đàm phán thận trọng để không bị "bơi trong lưới của nước Anh".

Trong khi đó, phía Anh khăng khăng cho rằng ít nhất hai bên phải đàm phán nhằm đạt được một số thỏa thuận tương lai tại giai đoạn này để mở đường cho các vấn đề then chốt khác, như quyền của các công dân châu Âu sinh sống và làm việc tại nước Anh, vấn đề thanh toán hóa đơn Brexit và biên giới tương lai giữa Cộng hòa Ireland với khu vực Bắc Ireland của nước Anh.

Nước Anh cũng đang xúc tiến các cuộc đàm phán song phương với các nước thành viên EU về quyền bỏ phiếu của các công dân Anh tại những nước họ chọn làm nơi cư trú vĩnh viễn, bao gồm cả quyền bỏ phiếu về các vấn đề của nước sở tại và của châu Âu.

Mặc dù các cuộc thảo luận trên thuộc thẩm quyền của mỗi quốc gia, song Ủy ban châu Âu hiện đang ngăn chặn các cuộc đàm phán song phương về vấn đề này, theo nguồn tin từ Chính phủ nước Anh.

Về phía mình, Ủy ban châu Âu (EC) bác bỏ ý kiến cho rằng họ đang ngăn không cho nước Anh thảo luận các quyền bỏ phiếu với những nước thành viên, tuy nhiên, ủy ban cũng nói rõ về quyền hạn của họ đối với vấn đề này.

Trong bối cảnh các vòng đàm phán Brexit giữa nước Anh và EU đang diễn ra, EC dự báo Vương quốc Anh sẽ là nước ở nhóm có nhịp độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong số các nước thành viên EU khi nước này rời EU vào năm 2019.

Theo dự báo do EC đưa ra, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1,1% vào năm 2019, chỉ hơn Italy chút, trong khi nhịp độ của các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 1,9%. Dự đoán này dựa trên giả định quan hệ Anh - EU vẫn duy trì nguyên trạng như hiện nay sau ngày nước Anh rời EU 3/2019, nhưng có tính đến yếu tố bất ổn trong kinh doanh dẫn đến đầu tư giảm sút./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục