Bộ Xây dựng đi đầu trong rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính

19:14' - 16/01/2018
BNEWS Một trong những điểm sáng của ngành xây dựng năm 2017 là cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính được quan tâm đặc biệt, có chuyển biến mạnh mẽ.

Chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm của ngành xây dựng năm 2018 tổ chức tại Hà Nội ngày 16/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Bộ Xây dựng là một trong những cơ quan đi đầu trong việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Việc cắt giảm nhanh các thủ tục hành chính cũng chính là vì lợi ích của ngành. Đây cũng là yếu tố giúp việc cấp giấy phép xây dựng tăng 12 bậc, góp phần để môi trường kinh doanh ở Việt Nam tăng lên vị trí 20/120 nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Chính phủ đánh giá Bộ Xây dựng là một trong những bộ cải cách mạnh mẽ mạnh mẽ trong việc đơn giản hóa thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; trong đó, cấp phép xây dựng trực tuyến cấp độ 3 đã giúp giảm 2/3 số thời gian làm thủ tục.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, một trong những điểm sáng của ngành xây dựng năm 2017 là cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính được quan tâm đặc biệt, có chuyển biến mạnh mẽ.

Bộ Xây dựng hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Đáng chú ý, Bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định nhằm giải quyết vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường.

Việc rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện quyết liệt. Ghi nhận rõ nhất là việc Bộ Xây dựng chủ động đề xuất bãi bỏ 7/17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (Bộ Tư pháp thẩm định đề nghị bãi bỏ 5 ngành nghề).

Trong tổng số 215 điều kiện kinh doanh, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 41,3%, đơn giản hoán 47,3% và giữ nguyên 15% số lượng các điều kiện kinh doanh. Thủ tục hành chính giảm 49/90 thủ tục, đơn giản hóa 22 thủ tục.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, qua thí điểm thực hiện cơ chế 1 cửa liên thông điện tử trong công tác cấp giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp các đơn vị, cơ quan nhà nước, công dân, tổ chức và doanh nghiệp giảm thiểu được áp lực công việc, giải quyết được các công việc nhanh, thuận tiện và khoa học hơn. Đặc biệt, việc cải cách này giúp tăng tính công khai, minh bạch khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính; góp phần ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực.

Về sản xuất kinh doanh, sau nhiều năm duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức “khiêm tốn”, năm 2017, hoạt động đầu tư kinh doanh của ngành xây dựng đã có khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng về sản xuất kinh doanh bình quân đạt 16,6% so với năm 2016.

Tổng giá trị sản xuất kinh doanh của 15 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng ước đạt 131.933 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch năm, tăng 16,6% so với năm 2016. Tổng giá trị đầu tư toàn ngành cũng đạt 10.792 tỷ đồng; doanh thu ước đạt 119.834 tỷ đồng, bằng 108,4% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.952 tỷ đồng, bằng 102,7% kế hoạch năm; nộp ngân sách ước đạt 6.928 tỷ đồng, bằng 128,2% kế hoạch năm; tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt trung bình 4,97%.

Duy trì và tăng trưởng sản xuất là một trong những kết quả từ việc đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc theo phương án được phê duyệt.

Thực hiện nghiêm túc phương án tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc được Chính phủ phê duyệt (giai đoạn 2016-2020), Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa 4 Tổng công ty, gồm: Sông Đà, HUD, IDICO và VICEM. Hoàn thành bán cổ phần lần đầu Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty IDICO thu về ngân sách nhà nước 3.705 tỷ đồng.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba cho các đồng chí lãnh đạo Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Hiện Bộ Xây dựng đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp Tổng công ty VICEM; báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty HUD; tiếp tục thực hiện quyết toán vốn nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần đối với các Tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa.

Thành công nhất trong thoái vốn tại các doanh nghiệp theo kế hoạch phải kể đến việc hoàn thành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty DIC, thu về ngân sách 2.276,5 tỷ đồng. Các Tổng công ty thực hiện thoái vốn thành công tại 10 đơn vị với giá trị gốc là 658,5 tỷ đồng, thu về 877,5 tỷ đồng, cao hơn 219 tỷ đồng (khoảng 33,3%) so với giá gốc.

Hiện nay, giai đoạn mới, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia mạnh mẽ vào thị trường xây dựng. Hiện có tới 80% nhà thầu xây dựng dân dụng là tư nhân. Ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đề nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tạo những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển lớn mạnh; tìm những phương thức giải quyết mọi thủ tục nhanh chóng, thuận lợi nhất khi doanh nghiệp xây dựng đầu tư ra nước ngoài; giản lược tối đa các thủ tục thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài, thủ tục chuyển ngân, thủ tục xuất cảnh, xuất khẩu vật liệu, trang thiết bi thi công...

Hiện các doanh nghiệp xây dựng rất cần được hỗ trợ đổi mới công nghệ, kỹ thuật và phương thức quản lý; khuyến khích phát triển theo hướng chuyên môn hoá thật sâu trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, tránh sự dàn trải ngay trong ngành của mình.

Về phía doanh nghiệp xây dựng cũng chủ động ứng dụng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo theo kịp sự tiến bộ của thế giới, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế - ông Hải chia sẻ.

Nói về một xu hướng mới của thị trường bất động sản trong năm 2017, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề cập, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) phát triển mạnh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trên địa bàn cả nước hiện có khoảng 300 dự án có quy mô lớn (có diện tích đô thị trên 50 ha, đất nông thôn trên 100 ha, tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, quy mô căn hộ trên 1.500 căn). Cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện điều tra, nghiên cứu về loại hình bất động sản mới (condotel, officetel), báo cáo Thủ tướng và đề xuất hướng giải quyết, đồng thời chủ động phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các loại hình bất động sản này./.

>>> Ngành xây dựng đứng thứ ba về đóng góp điểm phần trăm vào mức tăng GDP cả nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục