Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Năm 2017 tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0

15:30' - 28/12/2017
BNEWS Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0) mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong nâng cao trình độ công nghệ và sức cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh.

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, tác động tiêu cực đối với Việt Nam.

Năm 2017 - Năm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với vai trò là cơ quan được giao làm đầu mối tham mưu thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh về các giải pháp, cách tiếp cận cũng như phương án ứng xử phù hợp với cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN


* Phóng viên:Xin Bộ trưởng cho biết sự cần thiết thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Chỉ thị số 16/CT-TTg)?
* Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, tạo ra những tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng trong đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, Việt Nam không thể “đứng ngoài” cách mạng công nghiệp 4.0.

Cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong nâng cao trình độ công nghệ và sức cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh, tạo ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, tác động tiêu cực đối với Việt Nam.

Vì vậy, tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để Việt Nam chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực cuộc Cách mạng 4.0 đem lại.
Với vai trò là cơ quan được giao làm đầu mối thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định phương pháp triển khai là phải làm rõ nội hàm, nhận thức, hiểu rõ đúng bản chất từ đó xác định được hướng tiếp cận đúng.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Tổ Công tác của Bộ để triển khai Chỉ thị; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng đề cương đăng ký các hoạt động, nhiệm vụ triển khai để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sau 7 tháng triển khai thực hiện, Chính phủ, người dân, doanh nghiệp đã nhận thức đúng về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đã làm rõ cơ hội và thách thức đối với từng lĩnh vực, khu vực của Việt Nam, qua đó đề xuất những phương án ứng xử phù hợp trong năm 2018 và điều chỉnh chiến lược, lựa chọn phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược phù hợp với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
* Phóng viên: Việt Nam đã có những hành động quyết liệt nhưng cũng rất thận trọng và có những “bước đi” vững chắc để tiếp cận với cuộc Cách mạng 4.0. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả đạt được?
* Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Thời gian qua, với những bước tiến khá nhanh về phát triển công nghệ thông tin - truyền thông, Việt Nam đã dần được ghi nhận trên bản đồ công nghệ thông tin - truyền thông thế giới, hạ tầng truyền thông phục vụ cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân được phát triển mạnh mẽ, nguồn nhân lực công nghệ thông tin đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia.

Chính phủ điện tử qua hai năm triển khai thực hiện đã có những chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, tăng cường kết nối liên thông, mở rộng thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Năm 2017 cũng là năm đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã lan tỏa đến các bộ, ngành và địa phương. Đến nay, Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 24 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và hơn 40 khu làm việc chung.

Năm 2017, đã có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, hệ thống nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các tập đoàn, ngân hàng lớn cũng tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành, địa phương tập trung chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Lĩnh vực dệt may đã bắt đầu có các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tự động hóa, xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo.

Lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ tự động hóa, bán tự động kết hợp với công nghệ thông tin đã được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt ngành ngân hàng dự kiến giảm mạng lưới hoạt động truyền thống tại các thành phố lớn để thay thế bằng các loại hình cung cấp dịch vụ điện tử…

Nhằm xây dựng chiến lược tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần xây dựng các định hướng chính sách, nội dung và phương pháp dạy nghề để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung giáo dục STEM ở các địa phương để học sinh trên cả nước hiểu rõ tác dụng và lợi ích của giáo dục STEM…
* Phóng viên: Để tiếp tục tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xin Bộ trưởng cho biết giải pháp cần triển khai thực hiện thời gian tới?
* Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Cách mạng công nghiệp 4.0 không triển khai theo phong trào mà phải triển khai một cách thực chất, quyết liệt, lồng ghép với những chiến lược, chương trình đã có, đảm bảo phù hợp với những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Để tiếp tục tăng cường năng lực tiếp cận đối với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất huy động sức mạnh tổng hợp của các bộ, ngành, các cấp và xã hội để xây dựng Chiến lược tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho Việt Nam.

Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các chiến lược nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng 4.0; xác định các công nghệ cần ưu tiên phát triển trong trung hạn và dài hạn để đón đầu các xu hướng công nghệ mới; lựa chọn, đề xuất một số sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp, phát triển dựa trên nền tảng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, xây dựng Chương trình ưu đãi tín dụng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ của cuộc Cách mạng cô nghiệp 4.0; hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào hoạt động của quỹ đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các ngành, địa phương; lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và phát triển được các công nghệ sản xuất mới.
Bên cạnh đó, điều chỉnh cơ cấu nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chú trọng đầu tư cho thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ; xây dựng, phê duyệt và đưa vào triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để phục vụ các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ. Xây dựng chính sách thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trọng điểm về các công nghệ chính của cuộc Cách mạng 4.0 (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…), đào tạo STEM trong trường phổ thông…
* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục