Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về vướng mắc trong xử lý tài chính tại Vinawaco

16:58' - 09/11/2017
BNEWS Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã xem xét tài liệu và có ý kiến về các tồn tại tài chính trước khi chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước sang SCIC của Vinawaco.
Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về vướng mắc trong xử lý tài chính tại Vinawaco. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Liên quan đến quá trình chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) của Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP (Vinawaco) đang gặp khó khăn do vướng mắc về xử lý tài chính trước cổ phần hóa, dẫn đến nguy cơ làm giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã xem xét tài liệu và có ý kiến về các tồn tại tài chính trước khi chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước sang SCIC của Vinawaco.
Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn số 10482/BGTVT-QLDN yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinawaco báo cáo tình hình xử lý nợ gửi với nội dung sau: Để có cơ sở xem xét giải quyết xử lý tồn tại của Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinawaco, báo cáo Bộ giải trình cụ thể trước ngày 30/9/2017 về các khoản nợ (thời gian hình thành, nội dung vay, quá trình thanh quyết toán nợ... và đề nghị hướng giải quyết)”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho hay.
Cụ thể, nội dung yêu cầu báo cáo Bộ Giao thông Vận tải bao gồm: khoản nợ vay Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư Giao thông vận tải, Công ty Thi công cơ giới thủy đầu tư và Xây dựng, Công ty cổ phần Thương mại vận tải Minh Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, các khoản cơ quan thuế kiểm tra xử lý, các khoản nợ phải thu của 5 doanh nghiệp và các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào 7 công ty liên kết.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định, sẽ xem xét xử lý dứt điểm những tồn tại tài chính của Vinawaco theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có vi phạm.
"Những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”, Thứ trưởng Công thông tin.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinawaco cho hay, trong vòng 3 năm sau cổ phần hóa, thông qua kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của chính các chủ nợ đến đòi, Vinawaco phát hiện ít nhất 14 khoản nợ, lỗ, với tổng số tiền lên tới hơn 138 tỷ đồng; trong đó, khoản nợ phải trả của các khách hàng bao gồm nợ xấu ngân hàng trị giá 66 tỷ đồng; khoản chi phí dở dang 38,2 tỷ đồng từ 25 công trình từ trước năm 2013 không tương ứng với doanh thu...
Một trong những khoản nằm ngoài sổ sách lớn nhất mới phát hiện là khoản nợ hơn 53 tỷ đồng từ vay Vietcombank chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh kéo dài suốt 22 năm (vốn vay ban đầu 12 tỷ đồng để mua 3 con tàu sau 22 năm, tiền lãi lên đến hơn 40 tỷ đồng).
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinawaco Ngô Văn Tuấn, những khoản nợ, lỗ này đều không được đề cập trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, hoặc nếu có thì nợ phải trả thực tế lớn hơn nợ phải trả trong hồ sơ.
“Phần vốn nhà nước tại Vinawaco là 109,8 tỷ đồng (tương ứng 30% vốn điều lệ), do đó nếu các tồn tại này được xử lý, thì phần vốn nhà nước sẽ bị âm 30,3 tỷ đồng”, ông Ngô Văn Tuấn cho biết.
Trong Công văn số 1021/TCT-TCKT của Tổng công ty Xây dựng đường thủy gửi Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, Vinawaco đang lâm vào tình trạng hết sức khó khăn do bị khiếu kiện, cưỡng chế thi hành án và phong tỏa tài khoản. Đặc biệt, ngân hàng xếp đơn vị vào danh sách nợ xấu dẫn đến làm tê liệt mọi hoạt động của Tổng công ty.
“Nếu các cổ đông khởi kiện Tổng công ty thì Hội đồng quản trị Tổng công ty sẽ không chịu trách nhiệm”, Văn bản 1021 của Vinawaco khẳng định
Theo số liệu công bố tại Đại hội cổ đông của Vinawaco năm 2017 vừa qua, năm 2016, tổng giá trị sản lượng của đơn vị đầu ngành về xây dựng cảng biển, nạo vét luồng này chỉ đạt 333 tỷ đồng, doanh thu 440 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,8 tỷ đồng, thấp nhất trong 3 năm lại đây. Với kết quả kinh doanh trên, các cổ đông Vinawaco sẽ nhận cổ tức chỉ 0,6%.
Cũng theo báo cáo tại Đại hội cổ đông của Vinawaco, nợ phải thu và các khoản đầu tư tài chính không hiệu quả chiếm từ 56-59%; nợ phải trả; trong đó có nợ ngân hàng gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.
Tổng Công ty Xây dựng đường thủy vốn là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thi công cảng biển, nạo vét luồng hàng hải của Bộ Giao thông Vận tải. Doanh nghiệp này cổ phần hoá từ năm 2014, phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp này được xác định là 109,8 tỷ đồng (tương ứng 30% vốn điều lệ)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục