Biển đảo Việt Nam: Cần thêm giải pháp khai thông hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản

10:12' - 02/10/2016
BNEWS Việc thực hiện Nghị định 67 và Nghị định 89 trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số khó khăn, yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị chức năng kịp cần tiếp tục triển khai đồng bộ.
Cần hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, qua 2 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ – CP (Nghị định 67) và Nghị định 89/2015/NĐ – CP (Nghị định 89) về một số chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả bước đầu.

Tuy nhiên việc thực hiện Nghị định 67 và Nghị định 89 trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số khó khăn, yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị chức năng kịp cần tiếp tục triển khai đồng bộ.

Còn đó nỗi lo

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, Trịnh Minh Hoàng cho biết, tại Ninh Thuận đã có 34 dự án được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá, với tổng dự toán 283,3 tỷ đồng.

Tính đến nay, phần lớn các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định đã được tháo gỡ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trịnh Minh Hoàng đã chỉ ra những khó khăn vướng mắc như: đối với các dự án đóng mới tàu cá bằng vật liệu composite, tiến độ triển khai rất chậm, do việc lập hồ sơ thiết kế và phê duyệt thiết kế theo quy định mất nhiều thời gian; nguyên nhân một phần là do hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành thiết kế mẫu, ngoài ra cũng do các chủ dự án thường xuyên thay đổi nội dung dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ lập hồ sơ thiết kế.

Về vấn đề sử dụng máy cũ đã qua sử dụng, theo Nghị định 89 trường hợp nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy thủy đã qua sử dụng theo quy định.

Tuy nhiên, đa phần các máy đã qua sử dụng được lắp đặt xuống tàu cá không có lý lịch đầy đủ theo quy định, do đó không có cơ sở để xác định chất lượng của máy; không xác định được công suất của máy.

Hiện tại chưa có văn bản quy định về cơ quan giám định công suất máy thủy đã qua sử dụng (vấn đề này có liên quan đến đối tượng vay, mức vay).

Về chính sách vay vốn lưu động, phần lớn ngư dân trong tỉnh đều mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay lưu động với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67 để đầu tư cho hoạt động đánh bắt xa bờ, tuy nhiên chính sách này hiện tại chưa thực hiện được, do ngư dân đã hết tài sản để có thể vay thế chấp.

Ngân hàng có cho vay tín chấp khi ngư dân tham gia vào chuỗi liên kết nhưng việc quản lý dòng tiền hết sức khó khăn, do hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa phục vụ đầu vào, đầu ra của quá trình khai thác hải sản nhiều khi được thực hiện ngay ngoài biển, ngân hàng khó giám sát được hoạt động này.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 34 dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá. Tuy nhiên, trong tổng số 34 dự án đã được phê duyệt, đến nay chỉ có 27 dự án đã và đang triển khai, số còn lại vì nhiều lý do khác nhau các chủ dự án không triển khai thực hiện.

Qua khảo sát của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Thuận, trong số 8 tàu đã được đầu tư để đánh bắt xa bờ hoàn thành đi vào khai thác, vẫn có một số tàu chủ yếu hoạt động ở vùng lộng, chưa thực sự vươn khơi đánh bắt trên các vùng biển xa bờ; đặc biệt là các chủ tàu không có kinh nghiệm hoạt động trên các vùng biển xa; không còn vốn lưu động để đầu tư cho hoạt động dịch vụ khai thác hải sản xa bờ.

Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi đánh cá. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Ngoài ra, các thiết kế và thi công của tàu vỏ sắt, composite chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm của tàu khai thác hải sản, còn tồn tại nhiều nhược điểm so với tàu cá vỏ gỗ, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Điều này đã được bộc lộ qua quá trình hoạt động của cá tàu cá đã đi vào hoạt động, tàu bị rung lắc trong điều kiện sóng gió cấp 5, các trang thiết khai thác, thượng tầng bố trí không phù hợp ảnh hưởng đến ổn định tàu…

Đơn cử như tàu vỏ sắt NT-91234-TS do ông Dương Văn Thắng làm chủ, từ khi đưa vào sử dụng đến nay đã tổ chức 4 chuyến đi thu mua ở khu vực huyện Đảo Phú Quý, trang thiết bị trên tàu bị hư hỏng nhiều, lỗ khoảng 750 triệu đồng, hiện tại tàu đang neo đậu tại cảng cá Cà Ná.

Còn tàu vỏ composite NT-91121-TS, do ông Nguyễn Đức Hải làm chủ, đến nay có 20 chuyến đi thu mua ở khu vực ven biển Ninh Thuận đến huyện Đảo Phú Quý và khu vực đảo Côn Sơn, bị gãy chân vịt do tàu bị mắc cạn, sau khi trừ chi phí và trả lương cho người lao động còn lãi khoảng 200 triệu đồng.

Ngoài ra còn có 3 tàu cá vỏ gỗ NT-91177-TS (Trần Công Bình), NT-91155-TS Trần Văn Năm), NT-91199-TS (Trần Công Thành), đến nay mỗi tàu đã có 5 chuyến hoạt động khai thác (bình quân mỗi chuyến 15 ngày), chỉ đủ chi phí chuyến biển và trả lương cho người lao động.

Qua kết quả khảo sát sơ bộ nêu trên thì chỉ có 4 tàu cá vỏ gỗ hoạt động hiệu quả và chưa xảy ra tai nạn trong quá trình hoạt động.

Cần giải pháp đồng bộ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã yêu cầu các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá; đồng thời tăng cường khảo sát ngư trường, hướng dẫn ngư dân đưa tàu cá đến khai thác ở các ngư trường mới trên các vùng biển xa bờ.

Các địa phương ven biển tăng cường công tác tuyền truyền để ngư dân trong tỉnh nắm được nội dung của Nghị định 67 và Nghị định 89

Về vấn đề hồ sơ kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 5343/QĐ-BNN - TCTS ngày 23/12/2015 hướng dẫn, chỉ định một số địa phương thiết kế mẫu tàu cá vỏ gỗ; đối với các ngư dân không sử dụng thiết kế mẫu, có thể lập thiết kế tàu cá cho riêng mình.

Đồng thời đề nghị Tổng Cục Thủy sản công bố danh sách các đơn vị tư vấn thiết kế tàu cá có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để ngư dân lựa chọn.

Còn việc sử dụng máy thủy cũ đã qua sử dụng, hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 51/2015/TT - BNNPTNT quy định về yêu cầu kỹ thuật và kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy đã qua sử dụng lắp đặt trên tàu cá; trong thời gian tới ngành sẽ triển khai quy định này vào hoạt động quản lý tàu cá.

Để tạo điều kiện cho ngư dân trong khi lắp đặt máy thủy đã qua sử dụng xuống tàu cá, Tổng cục Thủy sản cần công bố danh sách các cơ sở cung cấp máy thủy trên toàn quốc có đầy đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 51/2015/TT - BNNPTNT ngày 30/12/2015, cũng như các cơ quan có chức năng giám định công suất máy thủy đã qua sử dụng.

Về chính sách vay vốn lưu động, tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu cho vay vốn lưu động.

Về chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư, theo khoản 7 điều 1 Nghị định số 89/2015/NĐ - CP của Chính phủ.

Về chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa theo Nghị định 67/2010/NĐ-CP của Chính phủ, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể nội dung này.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng đã chỉ đạo ngành Thuế hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, địa phương là thành viên Ban chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản, căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị, hướng dẫn đơn vị mình thực hiện các nhiệm vụ có liên quan để cùng triển khai đồng bộ các chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức đánh giá hiệu quả các dự án đã đầu tư, có sự so sánh giữa các nhóm nghề, các loại vật liệu đóng tàu, qua đó tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để có định hướng phát triển trong thời gian tới.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục