Bất chấp khuyến cáo, nông dân Bến Tre vẫn xuống giống vụ Thu Đông

12:45' - 11/09/2017
BNEWS Chủ trương của UBND tỉnh Bến Tre là không sản xuất lúa vụ Thu Đông nhưng hiện nay người dân Bến Tre bất chấp khuyến cáo, vẫn xuống giống vụ Thu Đông.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Bến Tre đã có trên 6.300 ha diện tích lúa đã xuống giống vụ Thu Đông.

  Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre có trên 6.300 ha diện tích lúa đã xuống giống vụ Thu Đông. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Mặc dù, đã nhận được khuyến cáo của địa phương không được xuống giống vụ lúa Thu Đông nhưng sau khi vừa cắt lúa vụ Hè Thu xong, anh Ngô Văn Mai, xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri liền xuống giống vụ lúa mới.

Theo anh Mai, vụ Thu Đông năm 2016, mặc dù chính quyền đã khuyến cáo không xuống giống nhưng một số gia đình ở địa phương vẫn làm trái vụ và năng suất rất cao vì thế năm nay nhiều gia đình cũng làm theo.

Không chỉ riêng anh Mai, đến thời điểm này nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Tri đã xuống giống vụ Thu Đông. Dự kiến tháng 9/2017, huyện Ba Tri sẽ xuống giống toàn bộ diện tích vụ Thu Đông.

Theo người dân, lý do các hộ nông dân xuống giống vụ Thu Đông là tranh thủ nguồn nước ngọt, làm lúa kiếm rơm cho bò ăn, hy vọng năm nay các kênh được gia cố, ngăn chặn không có nước mặn xâm nhập nội đồng, năng suất lúa sẽ cao.

Ông Đặng Văn Nhánh, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm cho biết, ở địa phương từ trước đến nay làm 3 vụ, đa số là tự phát chứ không có lịch.

Thường thì vụ Đông Xuân ngành nông nghiệp mới có lịch cho sạ. Năm nay, cắt lúa vụ Hè Thu xong, thấy nước ngọt là sạ liền bởi vì năm 2016 ngành nông nghiệp có gia cố kênh, ngăn mặn nên nước ngọt năm nay chắc cũng không mặn.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, ông Lê Văn Đoạn cho hay, đầu năm huyện có chủ trương khuyến khích làm 2 vụ, chính quyền xã cũng tuyên truyền, vận động người dân nhưng họ vẫn xuống giống.

“Năm nay, mưa sớm và nhuận hai tháng 6 âm lịch nên đến thời điểm này người dân đã thu hoạch lúa Hè Thu. Vì thế, người dân dự đoán đến tháng 2/2018 (âm lịch) là cắt lúa xong, nước không mặn. Dù địa phương đã cương quyết chỉ đạo nhưng nông dân nói nếu họ làm mất mùa thì họ tự chịu”, ông Đoạn cho biết.

Theo kế hoạch từ đầu năm của UBND tỉnh Bến Tre, sau khi kết thúc vụ Hè Thu muộn thì đến tháng 10/2017 mới bắt đầu vụ lúa Đông Xuân sớm.

Thế nhưng, đến nay đã có nhiều hộ dân xuống giống vụ lúa Thu Đông, tập trung ở huyện Ba Tri và Giồng Trôm.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, nếu người dân xuống 3 vụ (Hè Thu, Thu Đông, Đông Xuân) thay vì 2 vụ (Hè Thu muộn và Đông Xuân sớm) như khuyến cáo thì nguy cơ rủi ro rất lớn.

Ông Võ Văn Nam, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, theo chủ trương của tỉnh thì năm 2017 chỉ xuống giống 2 vụ.

Tuy nhiên, hiện nay, sau khi thu hoạch vụ Hè Thu xong bà con liền xuống giống vụ Thu Đông sẽ dễ tìm ẩn nhiều mối nguy.

Xuống giống liên tiếp dễ khiến ruộng bị ảnh hưởng ngộ độc phèn của đầu vụ, ngộ độc hữu cơ; không kiểm soát được dịch bệnh, hiện bệnh vàng lùn xoắn lá đang bột phát ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre năm nay mùa mưa kết thúc sớm (khoảng tháng 11), vì vậy nếu hộ nào làm 3 vụ thì nguy cơ ảnh hưởng mặn cuối vụ Đông Xuân là rất lớn.

UBND tỉnh Bến Tre vừa cho chủ trương, chỉ nên sản xuất 2 vụ lúa/năm (nếu có thể nên luân canh 2 vụ lúa + 1 vụ màu) để đất có thời gian ổn định, cắt vòng đời sâu bệnh, phát triển theo hướng ổn định, bền vững và hiệu quả.

Tuy nhiên, hộ dân có thể tự quyết định sản xuất 2 hoặc 3 vụ lúa/năm nhưng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi rủi ro xảy ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục