Báo Mỹ: "Nước Mỹ trên hết" có thể trở thành nước Mỹ "cô độc"

05:30' - 15/11/2017
BNEWS Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra hai lời kêu gọi mâu thuẫn nhau nhân chuyến công du châu Á: Các quốc gia trên thế giới cần tập hợp đằng sau Mỹ để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, họ nên nhớ rằng Mỹ sẽ xúc tiến mậu dịch theo cách riêng của mình. Khó có thể dung hòa những thông điệp nêu trên và điều này có thể định đoạt số phận trong tương lai gần của Mỹ với vai trò là một cường quốc Thái Bình Dương.

Tại Hàn Quốc hôm 8/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đóng vai nhà lãnh đạo một siêu cường khi nói với các nghị sĩ "xứ sở Kim chi": "Chúng ta có trách nhiệm và nghĩa vụ phải cùng nhau đối phó với mối đe dọa này, vì càng đợi lâu thì mối đe dọa đó càng tăng lên và sự lựa chọn càng ít đi".

Hai ngày sau, tại thành phố nghỉ dưỡng Đà Nẵng của Việt Nam - nơi binh sĩ Mỹ từng đóng quân ở đây hồi chiến tranh - ông Trump đã trở lại với chủ đề bảo hộ trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình. Ông nói trước các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương rằng: "Không đâu bằng nhà của mình", và cảnh báo là nước Mỹ sẽ không bao giờ ký lại một hiệp định mậu dịch trên quy mô khu vực.

Ở mức độ nào đó, những thông điệp trái chiều này thể hiện phong cách lãnh đạo nhà nước giống như quản lý công ty của ông Trump, đó là đánh giá cao những chiến thắng cá nhân hơn là học thuyết thống nhất về vai trò của Mỹ trên thế giới. Chủ nghĩa thực dụng này cũng được phản ánh qua phong cách ngoại giao tiếp cận từng nhà lãnh đạo của ông.

Từ Tokyo tới Bắc Kinh, ông Trump đều chơi con bài mặc cả với các nhà lãnh đạo, tâng bốc cá nhân họ, mặc dù chính quyền của ông đang đưa ra những quan điểm cứng rắn về các vấn đề kinh tế. 

Tuy nhiên, những mâu thuẫn kể trên cũng phản ánh sự hỗn loạn căn bản trong chính sách của Tổng thống Mỹ đối với châu Á. Chính sách này có vẻ như đang bị mắc kẹt giữa tính thực dụng địa chính trị của các nhà ngoại giao và chủ nghĩa dân tộc kinh tế của các phụ tá chính trị của ông Trump. 

Những áp lực trái chiều này khiến cả đồng minh lẫn đối thủ đều bị rối rắm trước những động cơ và quyền lực của Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng theo thời gian, sẽ khó có thể giữ được sự cân bằng.

Với Trung Quốc, ông Trump đã phải dịu giọng trong vấn đề mậu dịch để thuyết phục Chủ tịch Tập Cận Bình gây áp lực nhiều hơn lên CHDCND Triều Tiên. Với những quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn, ông Trump cảm thấy ít bị áp lực phải thỏa hiệp. Tuy nhiên, thông điệp "một mình một ngựa" của ông có thể khiến những quốc gia này tiến sâu hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc - quốc gia sẵn sàng lấp chỗ trống mà Mỹ để lại.

John Delury, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc của trường Đại học Yonsei, nói: "Khu vực đang đặt hy vọng vào sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ, không chỉ trong vấn đề an ninh mà cả kinh tế. Việc ông Trump xúc tiến chương trình nghị sự 'Nước Mỹ trên hết' không khác gì bỏ mặc các nhà lãnh đạo châu Á trong cơn hoạn nạn".

Trong khi đó, Jeffrey A. Bader, cựu cố vấn về Trung Quốc cho Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama, cho rằng những lời nói của ông Trump sẽ khiến các nhà lãnh đạo châu Á "cảm thấy nước Mỹ không còn là một nhân tố tại khu vực như trước đây". 

Trên thực tế, ông Trump là người lạc lõng tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm nay. 20 nhà lãnh đạo còn lại chính thức phê chuẩn ý tưởng về một cơ chế mậu dịch tự do, công nhận Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm trọng tài, và lên án những động thái nhằm dựng thêm các rào chắn mới. 

Thế nhưng, ông Trump lại chỉ WTO là đối xử với Mỹ không công bằng. Theo ông, thay vì củng cố những nguyên tắc của tự do mậu dịch, WTO lại đóng góp vào tiến trình khiến "việc làm, nhà máy và các ngành công nghiệp bị đưa ra khỏi nước Mỹ".

Mặc dù ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song 11 nước còn lại của thỏa thuận này đã nhất trí xúc tiến nó, tạo ra một "khu vực tự do mậu dịch rộng hơn" trên toàn châu Á mà không cần có Mỹ.

Các quan chức chính quyền xem bài phát biểu tại APEC là cơ hội để ông Trump quảng bá về một "Ấn Độ (Dương) - Thái Bình Dương tự do và mở cửa", mà Nhà Trắng coi đó là câu trả lời cho "xoay trục về châu Á của ông Obama". 

Tuy nhiên, vị Tổng thống hầu như sẽ hành động rất ít, bởi ông thường nhấn mạnh đến chủ quyền và độc lập của các quốc gia cao hơn những lợi ích chung hay các quyền mang tính phổ quát.

Theo giới chuyên gia, khi Mỹ "bán hàng mà không kèm khuyến mãi", Trung Quốc chắc chắn sẽ được lợi nhiều hơn. Tang Siew Mun, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu ASEAN của Viện ISEAS-Yusof Ishak Institute ở Singapore, nói: "Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể trong nỗ lực lấy lòng Đông Nam Á. Đây không phải là điều hoàn toàn xấu đối với khu vực, song sự thành công của Trung Quốc là thảm họa đối với Mỹ vì khi Trung Quốc được thì Mỹ mất". 

Ông Tang cho rằng "rốt cuộc, 'Nước Mỹ trên hết' có thể biến thành nước Mỹ 'ở nhà một mình'"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục