APEC 2017: Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội

19:43' - 29/08/2017
BNEWS Hội thảo “Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội” đã đặt ra nhiều vấn đề để các nền kinh tế thành viên APEC hướng tới tăng trưởng bền vững.

APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng trong những năm qua, tuy nhiên, nhiều thách thức đang đặt ra đối với các thành viên như: bất bình đẳng gia tăng, các vấn đề biến đổi khí hậu, bệnh dịch, xung đột….

Trong bối cảnh đó, trong khuôn khổ Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan tại Tp. Hồ Chí Minh, hội thảo “Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội” vừa diễn ra đã đặt ra nhiều vấn đề để các nền kinh tế thành viên APEC hướng tới tăng trưởng bền vững. 

Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội 

Tại hội nghị cũng như trao đổi bên lề, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh đến yếu tố cân bằng trong phát triển; trong đó, phải phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; qua đó, giúp APEC tiếp tục duy trì động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Trong vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đưa ra khá nhiều sáng kiến liên quan đến tinh thần chung, chủ đề của APEC nhằm tạo động lực mới để cùng chia sẻ lợi ích giữa các nền kinh tế thành viên. Với ưu tiên ấy, Việt Nam cũng đưa ra chủ đề về bao trùm tài chính, kinh tế, xã hội trong liên kết phát triển các nền kinh tế thành viên APEC.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng hiện nay, ông Valery E.Sorokin (Trưởng đoàn SOM Liên bang Nga) cho rằng, đây là một sáng kiến quan trọng của Việt Nam và Nga ủng hộ mạnh mẽ bởi phía Nga cũng có một số dự án và sáng kiến cùng một chủ đề.

Cũng như nhiều thành viên khác, Nga khá rộng lớn; trong đó có nhiều vùng sâu, vùng xa cần phát triển. Nhiều nền kinh tế APEC đều có cùng một vấn đề và đó là lý do tại sao sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Đánh giá của nhiều chuyên gia cho thấy, APEC chưa hình thành các chính sách toàn diện để thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; trong khi ba lĩnh vực này phụ thuộc và bổ trợ lẫn nhau.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho rằng, cần chú trọng đồng đều cả ba trụ cột kinh tế, tài chính và xã hội. Hiệu quả của một trụ cột sẽ giảm sút nếu hai trụ cột kia không theo kịp. Ngược lại, nếu hiệu quả của một trụ cột được nâng cao sẽ tác động thuận đến hai trụ cột còn lại.
Hiện phát triển bao trùm là một trọng tâm của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, phản ánh nguyên tắc “không bỏ ai lại phía sau”.

Theo ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, để phát triển bền vững hơn, APEC cần tạo thêm việc làm và đào tạo nhiều kỹ năng nâng cao cho người dân; cần phát triển một xã hội hòa nhập để tạo điều kiện cho người dân đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Các nước cần hợp tác để tăng sự bình đẳng và hòa nhập trong xã hội và các hoạt động tài chính để phát triển kinh tế một cách bền vững.
Không chỉ hỗ trợ người nghèo thoát nghèo, nhiệm vụ của các Chính phủ là cần bảo đảm những người trên ngưỡng nghèo đói sẽ không rơi lại vào tình trạng đói nghèo.

Đại diện nhiều nền kinh tế thành viên cho cho rằng, cần tạo thêm nhiều việc làm có năng suất cao và thỏa đáng, cần tăng cường đầu tư vào đào tạo nghề, giáo dục bậc cao, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy bình đẳng giới và tham gia của phụ nữ vào kinh tế và bảo đảm mọi thành phần xã hội đều được tham gia vào phát triển và hưởng các lợi ích của phát triển…
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế APEC (EC), ông Rory McLeod chia sẻ, các sáng kiến quan trọng của Việt Nam rất quan trọng. Việc cải cách kinh tế nếu thành công sẽ tạo ra những cơ hội mới cho người nghèo và các doanh nghiệp nhỏ, phụ nữ và người dân.

Hiện EC đã có nghiên cứu quan trọng về phát triển nguồn nhân lực trong APEC để hướng đến có nhiều công nhân lành nghề hơn trong tương lai.
Theo Tiến sĩ Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, những vấn đề trong chương trình nghị sự của APEC đều là những vấn đề dài hơi, không thể bàn thảo và giải quyết trong một sớm một chiều.

Những sáng kiến và ưu tiên mà Việt Nam đề xuất trong năm nay sẽ tiếp tục được bàn thảo và phát triển trong những năm tiếp theo. 

Việt Nam ưu tiên phát triển bền vững 

Phát triển bao trùm là một vấn đề ưu tiên của tất cả các nền kinh tế, phát triển cũng như đang phát triển và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực để phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội để phát triển bền vững.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, trong vài thập niên qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn và các dân tộc thiểu số bằng cách gia tăng thu nhập cho người dân và cung cấp những dịch vụ xã hội thiết yếu.

Tuy nhiên, vẫn còn một phần dân số là các hộ nghèo và thu nhập thấp, thu nhập của họ không đủ để thúc đẩy chi tiêu vì không có công việc thu nhập ổn định, điều này ảnh hưởng đế nền kinh tế của Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu bền vững, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh, phải tìm cách để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình hội nhập tốt hơn, đặc biệt gắn với tính bao trùm về kinh tế tài chính, kinh tế, xã hội.

Nói cách khác, làm sao mọi người dân đều có thể tiếp cận năng lượng, tiếp cận cơ hội mới và cơ hội ấy được chia sẻ đồng đều cho tất cả mọi người trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội cùng nhiều khía cạnh khác nhau, thông qua các nghiên cứu tốt hỗ trợ tiến trình hội nhập.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, các vấn đề quan trọng khác cần chú trọng là nhìn nhận mới trong vấn đề phát triển, hội nhập với tính bao trùm những đòi hỏi mới, sự chuyển động mới trong phát triển như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thay đổi cấu trúc dân số trong khu vực...
Là một trung tâm kinh tế của Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh đang đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Theo Tổ chức nghiên cứu dự báo kinh tế - Oxford Economics, trong giai đoạn 2017 – 2021, Tp. Hồ Chí Minh được dự báo có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai ở châu Á. Tuy nhiên, trong sự phát triển mạnh mẽ hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh phụ thuộc rất nhiều vào các cam kết tự do hóa thương mại và đầu tư của cả khu vực.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sự phát triển kinh tế luôn cần mang lại các cơ hội, lợi ích và tiếp cận bình đẳng cho mọi thành phần xã hội, cần có sự tham gia đầy đủ của mọi người dân, đảm bảo sự phát triển hài hòa, cân đối của các yếu tố tham gia vào quá trình phát triển.

Đối với Tp. Hồ Chí Minh, tăng trưởng bao trùm là một trong những nhân tố giúp thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Liên quan đến vấn đề phát triển bền vững, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, APEC cần có cách tiếp cận toàn diện hơn nữa và các biện pháp tổng thể để đảm bảo người dân là trung tâm của các chính sách phát triển, đặc biệt trong bối cảnh đang diễn ra nhiều chuyển biến về kinh tế - xã hội như hiện nay.

Đồng thời thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội có thể tạo ra động lực mới, góp phần duy trì khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, hơn 30 năm “Đổi mới” đã mang lại cho Việt Nam những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, nhưng Việt Nam vẫn đang phải đương đầu với sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập. Việt Nam đã và đang quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, vì người dân và doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục