Áp dụng rộng rãi hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp còn băn khoăn

16:13' - 08/09/2017
BNEWS Cần xem xét lại việc mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử cũng như lộ trình thực hiện từ đầu năm 2018.

Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại “Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8/9.

Nhiều điểm mới trong Dự thảo Nghị định sửa đổi 

Quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ hiện đang được áp dụng theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng, các cơ quan quản lý cho rằng nhiều nội dung đã không còn phù hợp với bối cảnh thực tế.

Doanh nghiệp băn khoăn về hóa đơn điện tử. Ảnh minh họa: TTXVN

Vì vậy, Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ (Dự thảo Nghị định sửa đổi), dự kiến trình lên Chính phủ trong tháng 10/2017 và đưa vào áp dụng từ ngày 1/1/2018.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Thuế Giá trị gia tăng, Vụ Chính sách thuế, Tổng Cục Thuế cho biết, Dự thảo Nghị định sửa đổi có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng như mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp và đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; hạn chế các đối tượng đặt in, tự in hóa đơn…
Cụ thể, doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/1/2018. Tổ chức kinh doanh có mã số thuế trước năm 2018 sử dụng hóa đơn tự in từ hệ thống máy tính chuyển qua sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử do doanh nghiệp tự phát hành từ ngày 1/7/2018.
Cũng từ ngày 1/7/2018, doanh nghiệp tổ chức đang mua hóa đơn của cơ quan thuế sẽ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Tổng Cục Thuế cũng sẽ chuyển đổi hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trước năm 2018 sử dụng hóa đơn đặt in.
Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng quy định rất rõ về việc giảm thủ tục hành chính khi sử dụng hóa đơn điện tử. Theo đó, khi sử dụng hóa đơn điện tử cơ sở kinh doanh chỉ thực hiện một thủ tục duy nhất là đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc thông báo sử dụng hóa đơn hóa đơn điện tử với cơ quan thuế.
Doanh nghiệp sẽ không phải lập các báo cáo về tình hình sử dụng hóa đơn, báo cáo mất, hỏng, hủy hóa đơn vì cơ quan thuế đã quản lý được tất cả dữ liệu hóa đơn.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, việc sửa đổi Nghị định về hóa đơn nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng rộng rãi phổ biến hóa đơn điện tử, đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/20/2015 về Chính phủ điện tử và triển khai hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ với nội dung cơ bản thực hiện hóa đơn, chứng từ điện tử trong năm 2018 đối với toàn nền kinh tế.
Ông Tuấn cho rằng, đây cũng là nền tảng để hướng tới việc quản lý hóa đơn thống nhất, phòng chống sử dụng hóa đơn để gian lận, trốn thuế, khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp lo không theo kịp quy định pháp luật

Những điểm mới của Dự thảo Nghị định sửa đổi dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có mô hình kinh doanh đặc thù. Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần xem xét lại việc mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử cũng như lộ trình thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai cho rằng, để mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử như Dự thảo Nghị định sửa đổi đề ra cần phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đủ mạnh, đảm bảo đường truyền dữ liệu thông suốt giữa doanh nghiệp, cơ quan thuế và các cơ quan quản lý liên quan.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, việc áp dụng hóa đơn điện tử đại trà cho hầu hết doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, mọi quy mô là chưa khả thi vì trên thực tế vẫn còn rất nhiều giao dịch mà khách hàng yêu cầu phải có hóa đơn giấy. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, phải có hóa đơn giấy thì các hãng vận chuyển mới nhận hàng.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cẩm Ninh, đại diện công ty Nestle Việt Nam cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử nhưng có hoạt động vận chuyển hàng hóa vẫn phải xuất trình hóa đơn giấy, phiếu xuất kho trong suốt quá trình vận chuyển.
Do đó, nếu muốn mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử, cần có cơ chế công nhận hóa đơn điện tử ở tất cả các cơ quan quản lý liên quan; đảm bảo dữ liệu điện tử được kết nối đồng bộ từ cơ quan thuế, hải quan… đến quản lý thị trường, tránh trường hợp mỗi cơ quan yêu cầu một hình thức hóa đơn khác nhau.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý nên khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin chứ không nên áp đặt về hình thức hóa đơn vì mỗi doanh nghiệp có đặc thù kinh doanh riêng, yêu cầu của khách hàng đối với hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ cũng khác nhau.
Đơn cử như trường hợp của các công ty bảo hiểm, khách hàng cá nhân thường yêu cầu hóa đơn, chứng từ giấy chứ không ai chấp nhận hóa đơn điện tử. Mặt khác, nếu quy định hóa đơn điện tử phải có chữ ký điện tử của cả người mua và người bán như Dự thảo Nghị định sửa đổi là không khả thi vì khách hàng cá nhân hiện chưa có chữ ký điện tử.
Thêm vào đó, việc chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị về hệ thống công nghệ, phần mềm và nhân sự thực hiện. Nếu áp dụng ngay từ đầu năm 2018 thì nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng kịp, tạo ra sự rối loạn trong việc sử dụng hóa đơn.
Trước những vần đề mà doanh nghiệp đặt ra, ông Nguyễn Duy Linh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Công nghệ thông tin, Tổng Cục Thuế cho biết, để chuẩn bị cho việc áp dụng hóa đơn điện tử một cách rộng rãi, Tổng Cục Thuế và các cơ quan liên quan đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo sự thông suốt cho các hoạt động truyền dẫn dữ liệu từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý.
Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ được tận dụng từ chính hệ thống công nghệ dùng để kê khai và nộp thuế điện tử mà các doanh nghiệp đang sử dụng. Vì vậy, doanh nghiệp không cần quá lo lắng về mặt công nghệ khi áp dụng hóa đơn điện tử.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà nhận định, việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí về in ấn, vận chuyển hóa đơn. Sử dụng hóa đơn điện tử cũng giúp việc lưu trữ thông tin hóa đơn, quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều chi nhánh sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn. Cơ quan thuế cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xác thực các hóa đơn đầu vào, tra cứu thông tin của các doanh nghiệp đối tác từ đó hạn chế các rủi ro về mặt pháp lý của hóa đơn.
Theo Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, những ý kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được ghi nhận, nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp phù hợp nhất, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng vẫn tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để các doanh nghiệp phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục