Algeria đối mặt khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng

07:24' - 23/09/2017
BNEWS Chính phủ Tổng thống Bouteflika đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng. Sự mất cân bằng về tài chính đã được dự báo khi kinh tế của Algeria trong tình trạng khó khăn kéo dài.
Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika. Ảnh: AFP/TTXVN

Những năm trước, tình hình tài chính ổn định nhờ giá dầu trên thị trường quốc tế tăng cao. Trên thực tế, đây chỉ là bức màn khói che giấu một sự thâm hụt về cấu trúc. Các chuyên gia đã không ngừng cảnh báo rằng “sự giàu có giả tạo” của Algeria có thể sụp đổ bất cứ lúc nào khi xảy ra cú sốc sụt giảm về giá dầu.

Điều lo ngại đó đã đến rất nhanh. Thay vì chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng và xây dựng một nền kinh tế sản xuất ra của cải vật chất cũng như tạo thêm nhiều việc làm, chính phủ - với các đời thủ tướng và nội các khác nhau đã có một lựa chọn nguy hiểm.

Hàng trăm tỷ USD đến từ nguồn thu dầu mỏ đã được sử dụng cho các khoản trợ cấp xã hội và duy trì các lĩnh vực chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước, và trên hết là tăng cường vị trí của quyền lực chính trị.

Đằng sau những công trường lớn trên khắp đất nước ẩn giấu những vụ chuyển giao khổng lồ nguồn vốn công đến một số doanh nhân. Những người này, đến lượt mình, sẽ là lực lượng chống lưng và cơ sở xã hội của chế độ chính trị và chính quyền “phiên bản mới” trong tương lai. 

Với tham vọng lớn, các đối tượng hưởng lợi từ mối liên kết chính trị - kinh tế đã dần bóp nghẹt các nhà đầu tư tư nhân cũng như gây sức ép đáng kể đối với nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Lựa chọn nhanh chóng chứng tỏ hậu quả tiêu cực đối với Kho bạc nhà nước, khiến cơ quan này hầu như không mang lại hiệu quả kinh tế và trên hết là không đảm bảo được nhiệm vụ lịch sử, đó là chính sách trợ cấp xã hội.

Một phần của Kho bạc đã được huy động để tham gia ngăn chặn các căng thẳng xuất phát từ các tầng lớp dân cư. Chính quyền đã sử dụng ngân sách quốc gia, cam kết tăng trợ cấp cho người dân, để đổi lại ổn định xã hội.

Đây là chính sách mà Tổng thống Bouteflika và Chính phủ Algeria đã sử dụng để đối phó một cách hiệu quả với chính biến “Mùa xuân Arab” năm 2011. Một chính sách kinh tế cực kỳ tốn kém, với hậu quả là sự sụt giảm của ngân sách công, để đổi lại việc duy trì quyền lực của giới lãnh đạo đất nước. 

Bên cạnh đó, những cam kết của chính phủ về sử dụng ngân sách một cách hiệu quả để cải cách bộ máy kinh tế hầu như chưa được hoàn thành. Kể từ khi giải phóng (năm 1962) đến nay, đất nước vẫn chưa có được một hệ thống ngân hàng cũng như những đổi mới phù hợp để thích nghi với những đòi hỏi của hội nhập kinh tế toàn cầu.

Môi trường kinh doanh hầu như chưa được lành mạnh hoá để nền kinh tế có thể hấp dẫn các nhà đầu tư. Tình trạng quan liêu vẫn thịnh hành, không chỉ cản trở việc tạo thuận lợi đối với hoạt động đầu tư công cũng như trong lĩnh vực tư nhân, mà còn là một trong những thách thức lớn rất khó vượt qua để có thể xây dựng thành công một nền kinh tế sản xuất và cạnh tranh. 

Chế độ hiện tại đã tự khoá mình trong chủ nghĩa bảo thủ chính trị - kinh tế, khi đã nhiều lần từ chối cải cách cơ cấu một cách toàn diện. Những nhà cầm quyền biết rằng nếu họ thực hiện đổi mới một cách nghiêm túc, quyền lực của họ sẽ bị đe doạ nghiêm trọng.

Do đó, không có ý chí từ bộ máy lãnh đạo cũng như thiếu những chính sách táo bạo về kinh tế, cải cách hầu như không thể được thực hiện.

Hiện nay, điều cần thiết đối với Algeria là nhanh chóng chấm dứt chế độ kinh tế bao cấp và hệ luỵ của nó - tình trạng tham nhũng - cũng là lý do tồn tại của hệ thống quyền lực. Những nỗ lực yếu đuối của chính quyền cựu Thủ tướng Tebboune là một minh chứng hoàn hảo cho thấy sự kháng cự mạnh mẽ của thế giới ngầm đằng sau chính quyền.

Ông Tebboune đã bị cách chức sau gần 3 tháng cầm quyền vì đã có những chính sách đụng chạm đến quyền lợi của những nhóm lợi ích, cho thấy sự ngoan cố của những người lãnh đạo đất nước khi quyết định theo đuổi một “con đường không có lối thoát”.

Việc bổ nhiệm lại Ahmed Ouyahia vào vị trí người đứng đầu chính phủ và đưa ra một kế hoạch hành động để vực lại nền kinh tế thời gian tới - lấy cảm hứng từ một chương trình lờ mờ của Tổng thống - được đánh giá là một biện pháp tình thế và nhằm giải toả những căng thẳng sau hậu trường. Những định hướng kinh tế cứng nhắc chắc chắn sẽ được thể hiện trong luật ngân sách 2018 sắp tới. 

Như vậy, Chính phủ Bouteflika đang quay lưng lại với những nguyên nhân thực sự của tình trạng khó khăn ngân sách và chỉ đề ra những giải pháp đối phó bề ngoài và khiên cưỡng.

Ông Bouteflika từ chối thừa nhận rằng sự mất cân bằng tài chính là hậu quả tự nhiên của một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và mang tính cơ cấu, cũng là kết quả của sự bế tắc chính trị tổng thể. Chỉ có những sửa đổi mạnh mẽ, nghiêm túc, thậm chí là “đau lòng” mới có thể giúp đất nước tránh khỏi một “cơn ác mộng khác” thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục