Vải thiều Bắc Giang đạt doanh thu cao nhất 60 năm qua

19:20' - 02/08/2017
BNEWS Tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ vụ sản xuất vải thiều năm 2017 của tỉnh Bắc Giang đạt trên 5.300 tỷ đồng, cao nhất trong hơn 60 năm qua.

Đây là thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang tại hội nghị tổng kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2017 của tỉnh tổ chức ngày 2/8.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tùng Lâm - TTXVN

Vụ vải thiều năm 2017, tỉnh Bắc Giang trồng gần 30.000 ha, sản lượng đạt trên 91.500 tấn, giảm 50.800 tấn so với năm 2016. Diện tích vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh duy trì 12.800 ha, sản lượng đạt 37.000 tấn.
Tại một số xã của huyện Lục Ngạn có 218 ha vải thiều được Mỹ cấp mã số IRADS với 394 hộ sản xuất, sản lượng đạt gần 770 tấn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Mặc dù thời tiết năm nay không thuận lợi, sản lượng vải thiều giảm, nhưng giá bán vải thiều Bắc Giang ở thị trường trong nước và xuất khẩu đi một số nước trên thế giới đạt cao hơn so với năm trước.
Giá vải thiều sớm Bắc Giang vụ năm 2017 đạt từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, vải thiều chính vụ giá từ 18.000 - 55.000 đồng/kg. Tại các cửa khẩu, giá vải thiều Bắc Giang đạt từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Như vậy, giá bán trung bình vải thiều Bắc Giang vụ năm nay cao gần gấp hai lần so với năm 2016.
Vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ nội địa khắp toàn quốc, chiếm 60% tổng sản lượng. Số còn lại tiêu thụ xuất khẩu là 36.600 tấn, chiếm 40% tổng sản lượng; trong đó thị trường Trung Quốc 28.000 tấn, ngoài ra còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan... Như vậy, hiện nay, vải thiều của Bắc Giang đã được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, vụ vải thiều năm 2018, tỉnh dự kiến duy trì ổn định tổng diện tích trồng vải thiều khoảng 30.000 ha; trong đó tăng 1.500 ha diện tích sản xuất vải thiều theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP so với năm 2017, giữ nguyên diện tích vải thiều sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn GlobalGAP ở những diện tích đã được cấp mã vùng.
Để nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất vải thiều vụ tới, tỉnh Bắc Giang tập trung tổ chức tốt sản xuất và bảo quản sau thu hoạch; xúc tiến tiêu thụ; mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, tỉnh tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp, thương nhân tổ chức liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ; quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều; có phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường... phục vụ sản xuất và tiêu thụ vải thiều.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nét mới vụ vải thiều năm nay của Bắc Giang là tỉnh có sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP chiếm tỷ lệ cao trong tổng sản lượng; ngoài ra địa phương đã có sự liên kết sản xuất, tổ chức sản xuất tốt hơn nên việc sản xuất, tiêu thụ vải thiều được thuận lợi.
Cũng theo ông Trần Thanh Nam, hiện nay, hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu đi các nước trên thế giới cần quan tâm đến ba vấn đề chính là chất lượng sản phẩm, mẫu mã sản phẩm, giá thành sản phẩm.

Quả vải thiều Bắc Giang cũng như nhiều loại hoa quả khác của Việt Nam cần tiếp tục được quan tâm đến các vấn đề này trong thời gian tới để mở rộng thị trường, nhất là các thị trường khó tính trên thế giới. Ngoài ra, cần nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để bảo quản quả vải thiều Bắc Giang được lâu hơn, từ đó sẽ giúp tiêu thụ rộng rãi hơn quả vải thiều Bắc Giang.

 Lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam được bày bán tại siêu thị của Thái Lan. Ảnh: Sơn Nam - Phóng viên TTXVN tại Thái Lan.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng đề nghị trong vụ sản xuất vải thiều năm 2018 tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm đến liên kết sản xuất, tranh thủ sự hỗ trợ của các đại sứ quán, tham tán thương mại của Việt Nam ở các nước để tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ quả vải thiều đến nhiều nước trên thế giới; giao Cục Trồng trọt chủ trì phối hợp với địa phương nghiên cứu, áp dụng quy trình sản xuất vải thiều phù hợp trong vụ tới để chủ động ứng phó với thời tiết không thuận lợi (nóng, ấm).
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương, để tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản xuất quả vải thiều Bắc Giang, năm 2018 và những năm tiếp theo UBND tỉnh Bắc Giang cần chỉ đạo các sở, ban ngành, các huyện trồng vải ở tỉnh tập trung ổn định và duy trì diện tích vải thiều theo quy hoạch, mở rộng diện tích vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Cùng với đó là phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng vải thiều Bắc Giang nhằm kéo dài thời gian cho quả vải thiều tươi lâu hơn, đồng thời rải vụ để kéo dài thời gian thu hoạch quả vải. Tiếp tục cải thiện, nâng cao mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm quả vải của tỉnh. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ vải thiều trong năm 2018; tiếp tục đẩy mạnh quảng bá về sản xuất, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang qua các phương tiện thông tin đại chúng..../.

>>> Làm gì để đưa vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang vươn xa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục