“Sóng ngầm” trong quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc

06:30' - 24/03/2018
BNEWS Sau sự kiện đối đầu tại khu vực biên giới Doklam giữa quân đội hai nước Trung Quốc và Ấn Độ hồi năm ngoái, New Delhi tìm cách lôi kéo Bhutan để kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: EPA

Tờ Đông phương, nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong, mới đây đã đăng bài viết cho rằng Ấn Độ đang tìm mọi cách lôi kéo Bhutan để kiềm chế Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ còn tận dụng chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ ngày 9-11/3, cùng với phía Pháp ký kết nhiều thỏa thuận nhằm đối trọng với Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.  

Truyền thông Ấn Độ đưa tin Chính phủ Ấn Độ dựa vào dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ-Bhutan tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm cấp cao liên quan đến ngoại giao và tôn giáo, đồng thời tăng cường viện trợ và đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Bhutan để nước này ủng hộ Ấn Độ. 

Giới phân tích quân sự Trung Quốc cho biết khu vực Doklam nằm trên dải cao nguyên giáp ranh giữa ba nước Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Năm ngoái, quân đội hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra sự kiện đối đầu tại đây kéo dài gần 2 tháng. Lúc đó, Ấn Độ - với “ngọn cờ” bảo vệ Bhutan - đã điều động binh lực đồn trú tại khu vực Doklam.

Theo giới phân tích quân sự Trung Quốc, từ lâu nay, Bhutan luôn có được sự bảo hộ quân sự từ Ấn Độ, nhưng cũng luôn mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Nhận thức được xu thế này, Ấn Độ đã tìm mọi cách để lôi kéo Bhutan.

Quan chức ngoại giao Ấn Độ tiết lộ Ấn Độ dựa vào dịp 50 năm hai nước Ấn Độ và Bhutan thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay đã lên kế hoạch sắp xếp để Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Bhutan, thời gian cụ thể hai bên sẽ thông qua kênh ngoại giao để xác định.

Đồng thời, Ấn Độ sẽ mời một lãnh tụ tinh thần do chính Quốc Vương Bhutan chỉ định tham dự hoạt động tế thần, xây dựng tháp và bia kỷ niệm tình hữu nghị Ấn Độ-Bhutan, hiện nay địa điểm xây dựng bia này còn chưa được xác định.

Bên cạnh đó, trong năm nay, Ấn Độ có kế hoạch gia tăng viện trợ kinh tế cho Bhutan, trong đó bao gồm các dự án trong lĩnh vực thủy điện và xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự kiến, Ấn Độ sẽ viện trợ xây dựng tại Bhutan 3 nhà máy thủy điện, thông qua các dự án này, lượng điện dư thừa của Bhutan sẽ được xuất khẩu sang Ấn Độ để tăng thu ngân sách.

Hiện nay, xuất khẩu điện của Bhutan chiếm 40% thu nhập trong nước và 25% GDP của Bhutan. Giới phân tích Trung Quốc cho rằng trong bối cảnh này, Ấn Độ tăng cường viện trợ xây dựng nhà máy thủy điện tại Bhutan chính là hành động biến tướng kiểm soát nguồn thu nhập chủ yếu của Bhutan.

Song song với những việc trên, trong chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày từ ngày 9-11/3 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đích thân tới sân bay để nghênh đón. 

Cũng trong thời gian này, Ấn Độ và Pháp đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị lên đến 13 tỷ euro, trong đó bao gồm thỏa thuận giữa hai nước cho phép tàu chiến của mỗi bên sử dụng căn cứ hải quân của bên kia. Giới phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng thỏa thuận này giữa Ấn Độ và Pháp chính là nhằm vào ảnh hưởng không ngừng mở rộng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương.

Theo giới phân tích quân sự Trung Quốc, hiện nay, đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới Doklam mặc dù tạm lắng xuống, nhưng "sóng ngầm" trong quan hệ giữa hai nước vẫn chưa ngừng, bất chấp những tuyên bố ngoại giao thiện chí của cả hai bên.

Ví dụ như mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc là vô cùng quan trọng đối với Ấn Độ. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng cùng với Ấn Độ kiểm soát bất đồng, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển đi lên. Tuy nhiên, thực chất sẽ rất khó để cải thiện quan hệ Trung-Ấn trong tương lai gần.

Cái bóng về sức mạnh chiến lược của Trung Quốc đã bao phủ một hiệp ước an ninh được ký kết giữa Ấn Độ và Pháp nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự ở Ấn Độ Dương. Theo hiệp ước được ký kết giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Macron trong khuôn khổ chuyến thăm 4 ngày đến Ấn Độ của nhà lãnh đạo Pháp, mỗi nước sẽ mở các căn cứ hải quân cho tàu chiến của mỗi bên. 

Những tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông đã làm nhiều cường quốc lo ngại. Và động thái của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương rộng lớn, trải dài từ Kênh đào Suez đến Eo biển Malacca, đã làm gia tăng mối lo ngại này.

Ấn Độ đã đẩy mạnh hoạt động tuần tra ở Eo biển Sunda ở Đông Ấn Độ Dương và ở Vịnh Ba Tư, đồng thời đẩy mạnh năng lực giám sát hàng hải xung quanh hai đảo Andaman và Nicobar ngoài khơi Myanmar, nơi tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động tuần tra. Trong khi đó, đảo Reunion là một vùng lãnh thổ quan trọng của Pháp ở Ấn Độ Dương và Paris cũng đã tỏ rõ những lợi ích mở rộng của mình ở khu vực Thái Bình Dương. 

Một số chuyên gia quốc tế lại tỏ ra hoài nghi về cách thức mà Thủ tướng Modi đối phó với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Chuyên gia về Nam Á Isabelle Saint-Mezard tại Viện nghiên cứu Địa chính trị thuộc Đại học Paris VIII nhận định: “Ở cấp độ khu vực, chính quyền Modi chưa đưa ra một giải pháp thay thế thuyết phục nào đối với sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ (BRI) của Tập Cận Bình. Ấn Độ cũng không có đủ sức mạnh tài chính và quản trị như Trung Quốc”.

Còn Giáo sư Brahma Chellaney tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi cho rằng “Ấn Độ rốt cuộc đang nhận ra được mối đe dọa mới này (từ Trung Quốc)”. Tuy nhiên, Giáo sư Chellaney cho rằng, cũng giống như các nước khác, New Delhi sợ gây ra “bão tố” ở Ấn Độ Dương.

Còn đối với Bắc Kinh, Giáo sư Chellaney nhận định rằng tại thời điểm hiện nay, Trung Quốc chưa thể coi Ấn Độ là sân sau chiến lược của mình. Tuy nhiên, với việc Bắc Kinh gia tăng triển khai hoạt động của tàu ngầm ở Ấn Độ Dương, thì tình hình có thể nhanh chóng gây ra bất lợi đối với New Delhi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục