"Lao đao" vì nghêu chết bất thường

11:31' - 08/07/2016
BNEWS Không chết hàng loạt như mọi năm mà chết nhiều và cục bộ tại một số vị trí, hơn 85% diện tích sân nghêu của huyện Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh đang bị đe dọa mất trắng, có thể thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Nhiều hộ dân đang “đứng ngồi không yên” khi đã đầu tư hàng tỷ đồng vào các sân nghêu. Ảnh minh họa: TTXVN

Nông dân nợ hàng tỷ đồng

Theo khảo sát của phóng viên tại khu vực Rạch Lở, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ tỷ lệ nghêu chết khá cao. Khoảng hơn 5 giờ chiều khi thuỷ triều bắt đầu rút xuống, những người nông dân bắt đầu đổ xô ra các sân nghêu để thu hoạch.

Thế nhưng, chủ yếu họ chỉ thu được xác nghêu. Họ phải đi nhặt từng xác nghêu, gom thành từng đống để mang đi tiêu hủy nhằm tránh làm lây lan sang những con nghêu khác. Nghêu chết bốc mùi hôi thối cả một góc biển rộng.

Nhìn vào đống nghêu chết, ông Đoàn Văn Hoàng ở ấp Miễu Ba, thị trấn Cần Thạnh cho biết, với hơn 40 ha diện tích mặt nước nuôi trồng nghêu, mọi năm vào thời điểm này, gia đình ông đã thu được gần 50% tiền vốn từ việc bán tỉa nghêu giống.

Tuy nhiên năm nay, càng cào càng chỉ thấy vỏ trắng cả sân nghêu và đến nay vẫn chưa thu được đồng nào do nghêu bị chết và hao hụt nhiều. Lượng nghêu giống dự trù bán thì phải mang ra thả bù với nghêu đã chết. Trong khi đó, gia đình ông đang nợ ngân hàng hơn 2 tỷ đồng tiền vay để đổ vào đầu tư vào vụ nghêu này.

“Để thả nuôi 40 ha diện tích nghêu, chúng tôi phải bỏ ra chi phí hơn 2,5 tỷ đồng, bao gồm con giống, công thả nuôi, thu hoạch… Năm nào người nuôi nghêu cũng phải đối mặt với hiện tượng nghêu chết, nhưng không chết sớm và thiệt hại nhiều như năm nay.

Bản thân tôi và nhiều hộ dân nuôi nghêu ở Cần Giờ đang lo lắng không có tiền trả nợ ngân hàng nếu nghêu tiếp tục chết trong những ngày tới”. - ông Hoàng nói.

Với hơn 30 ha diện tích nuôi nghêu ở bờ biển thị trấn Cần Thạnh và Long Hòa, ông Lê Trung Tính ở ấp Miễu Ba cũng như đang “ngồi trên đống lửa” khi nghêu bị chết đã lên tới khoảng 25-30% và còn có thể tiếp tục chết trong những ngày tới.

Trong khi đó, lượng nghêu chết phần lớn tập trung ở nghêu cỡ trung, chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là có thể thu hoạch. Để tránh hư hại, ông Tính cho biết chỉ còn cách “bốc” nghêu đưa sang vùng khác có nguồn nước sạch hơn để nuôi trồng chờ ngày thu hoạch, tuy nhiên chi phí di dời khá đắt, không khả thi.

Thông thường, một năm có hai lần nghêu chết, chủ yếu do biến động thời tiết và thường gây chết hàng loạt. Năm nay, tình hình nghêu chết lại diễn biến phức tạp hơn. Theo các hộ nuôi, nghêu chết số lượng lớn nhất là vào ngày 24/6 vừa qua và rải rác đến đầu tháng 7, đến thời điểm này đã ngưng chết.

Tuy nhiên, những xác nghêu chết nằm sâu trong lòng cát, đang gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ lây lan sang những con nghêu còn lại, trong đó có cả nghêu cám mới xuống giống được khoảng hơn nửa tháng nay.

Chưa xác định rõ nguyên nhân

Theo Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, đến nay đã có khoảng 550 tấn nghêu thiệt hại, trên diện tích 660 ha, tương đương gần 85% tổng diện tích sân nghêu, chủ yếu tại khu Rạch Lở của thị trấn Cần Thạnh, một phần của xã Long Hòa.

Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi nghêu, ông Lê Trung Tính cũng cho rằng, ngoài yếu tố do thời tiết, nguyên nhân nghêu chết có thể do ô nhiễm nguồn nước từ các nhà máy đổ về sông Thị Vải và Sài Gòn theo dòng chảy ra biển. Bởi mọi năm thiệt hại và hao hụt toàn vụ nhiều nhất cũng chỉ khoảng 10-15%, thế nhưng năm nay nghêu bị chết nhiều hơn.

Riêng khu vực gần bờ (cách mép bờ 500m trở vào), tỷ lệ nghêu chết lên đến 60-70%, còn xa bờ là 20%. Điều này cũng lý giải nghêu ở khu vực xã Lý Nhơn không bị chết do không thuộc dòng chảy của 2 con sông trên.

Bà Võ Thị Mộng Thu, Phó Chi cục trưởng Chi Cục quản lý và bảo vệ chất lượng nguồn lợi thủy sản Tp.Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân nghêu chết bước đầu được xác định là do mưa lớn làm thay đổi môi trường sống, đúng vào lúc sức khỏe đàn nghêu yếu, kết hợp với mật độ tảo độc cao gấp 10 lần khuyến cáo. Ngoài ra, còn có thể do ô nhiễm môi trường từ các sông, kênh đổ ra biển.

“Cũng vì nhận định ban đầu nghêu đầu bờ chết nhiều hơn nghêu xa bờ, nên chúng tôi đang đặt vấn đề có thể là do nguồn nước từ con kênh chảy qua khu dân cư khi chảy ra gần bờ có thể gây ô nhiễm cục bộ ngay đầu tiếp xúc với bãi nghêu.

Trong ngày 7/7, chúng tôi đã cử đoàn cán bộ phối hợp với Chi Cục Thú y thành phố và huyện Cần Giờ kiểm tra thực địa để xác định rõ nguyên nhân nghêu chết”, bà Thu cho biết.

Ngoài nguyên nhân trên, đại diện Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho rằng, hiện tượng nghêu chết còn có thể do bị nhiễm ký sinh trùng Perkinsus. Đây là loại dịch bệnh thường xảy ra trên đàn nghêu và được phát hiện trong những năm trước.

Hiện Chi cục Thú y và Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố đã lấy mẫu nghêu và mẫu nước đi phân tích để có kết luận chính xác về nguyên nhân nghêu chết.

Để tránh lây lan trên diện rộng, ông Hoàng Minh Trường, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, huyện cũng đã khuyến cáo bà con không nên di chuyển con nghêu chết từ nơi này đến nơi khác, đồng thời thu gom xác nghêu chết. Đối với sân nghêu đã đạt kích cỡ thương phẩm thì nên thu hoạch ngay, để tránh bị ảnh hưởng.

“Đối với những diện tích bị thiệt hại nặng, huyện Cần Giờ đã có kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hồ Chí Minh đề xuất với UBND thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi thiệt do thiên tai gây ra, đồng thời kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ có đề tài nghiên cứu về môi trường nuôi nghêu ở Cần Giờ, nhằm xác định vùng nuôi nghêu tối ưu cho bà con thả nuôi hiệu quả”, ông Trường cho biết./. 

>>> Cá chết bất thường trên tuyến sông Mỹ Thanh ở Sóc Trăng

>>> Xuất hiện cá chết bất thường trên hạ lưu sông Hinh (Phú Yên)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục