​ Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tạo đà cho ngân hàng vượt chỉ tiêu

16:13' - 10/01/2018
BNEWS Các ngân hàng tại Tp. Hồ Chí Minh đã không ngừng phát triển dịch vụ ngân hàng, với dịch vụ bán lẻ được nhiều đơn vị quan tâm phát triển, đổi mới và ứng dụng công nghệ.
Ngành ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh đạt tăng trưởng tín dụng 18,5%, vượt kế hoạch đề ra cho năm 2017. Ảnh minh họa: TTXVN

Hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng và hệ thống ngân hàng thương mại Tp. Hồ Chí Minh đạt được những kết quả quan trọng và ấn tượng trong năm 2017, là nhờ vào việc hoạt động hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đã tạo sức lan tỏa.

Song song đó, Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, góp sức cho ngành ngân hàng thành phố tăng trưởng và phát triển bền vững, đồng thời triển khai các giải pháp tái cơ cấu hiệu quả.
Nhiều ngân hàng vượt chỉ tiêu
Ngành ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh không chỉ đạt tăng trưởng tín dụng 18,5%, vượt kế hoạch đề ra cho năm 2017 là 16% - 18%, mà theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, hoạt động tín dụng ngân hàng, trong đó huy động vốn và cho vay vốn tiếp tục duy trì ở tốc độ khá. Đồng thời, đáp ứng được nguồn vốn cho nền kinh tế và định hướng của Ngân hàng Việt Nam.

Đặc biệt, điểm sáng trong năm vừa qua là các ngân hàng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã không ngừng phát triển dịch vụ ngân hàng, với dịch vụ bán lẻ được nhiều đơn vị quan tâm phát triển, đổi mới và ứng dụng công nghệ, hướng đến đáp ứng xu hướng ngân hàng bán lẻ hiện đại.
Báo cáo hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố cho thấy, tính cuối năm 2017 tổng tài sản đạt đạt hơn 364.000 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm; tổng vốn huy động đạt gần 323.000 tỷ đồng, tăng 11,4%; dư nợ tín dụng hơn 219.000 tỷ đồng, tăng 12,6%. Bên cạnh đó, thu dịch vụ năm 2017 của Sacombank tăng trưởng rất tốt, đạt 2.395 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng 29,6% so với năm trước.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong năm qua, nhưng ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), cho biết ACB đã về đích với kết quả kinh doanh tích cực như tổng tài sản tăng 20%; dư nợ cho vay tăng 20%; tổng huy động vốn tăng 16%; nợ xấu ở mức 1,44%...

Không chỉ hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch đã đề ra đầu năm 2017, mà đây còn được xem là thời điểm ACB đã giải quyết dứt điểm những tồn đọng của giai đoạn trước và xây dựng nền tảng vững chắc để bước vào quỹ đạo mới của năm 2018 với những tín hiệu đáng kỳ vọng.
Còn ông Đặng Hoài Đức, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương (Vietcombank), chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho hay, lợi nhuận của Vietcombank trong năm 2017 đã đạt như mục tiêu đã đề ra là hơn 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp đã dần ổn định và tăng trưởng tốt, dẫn đến hoạt động chi nhánh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đạt kết quả khả quan; trong đó, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bán lẻ đạt 40%, còn lĩnh vực bán buôn có tỷ tọng thấp hơn.
Liên quan đến kết quả kinh của ngành ngân hàng tại Tp. Hồ Chí Minh, một số chuyên gia cho rằng, ngành đã đạt được nhiều chỉ tiêu lớn như huy động, cho vay...Với kết quả kinh doanh tăng khoảng 115% so với năm 2016, đây là sự nỗ lực rất lớn, cũng như hiệu ứng lan tỏa từ việc làm ăn hiệu quả của doanh nghiệp trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các hệ thống ngân hàng thành phố.
Các chuyên gia cũng đánh giá hoạt động của ngành ngân hàng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh của nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đã có những dấu hiệu tái cơ cấu tích cực, tổ chức hoạt động nề nếp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, chăm lo an sinh xã hội thành phố.

Có một số tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đã đóng góp cao đối với tổng thu ngân sách của Tp. Hồ Chí Minh như: Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đóng góp gần 1.000 tỷ đồng; ACB: 703 tỷ đồng; HSBC 659 tỷ đồng…
Tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn mới
Thị trường tiền tệ được điều hành ổn định và diễn biến tích cực có ý nghĩa quan trọng trong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tạo niềm tin thị trường, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Cụ thể, hai yếu tố lãi suất và tỷ giá được cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đánh giá cao và kỳ vọng sẽ có những giải pháp hiệu quả để phát huy nội lực cho ngành ngân hàng trong năm 2018.

Bởi chính sự ổn định và sự điều hành tỷ giá linh hoạt, minh bạch, công khai; kết hợp với chính sách lãi suất hiệu quả sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển trong năm qua, từ đó xây dựng cũng như tạo lập niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp vào các chính sách kinh tế vĩ mô.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, các chính sách điều hành cơ chế chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy và hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh phát triển. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng thương mại vào nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng, vì đối tượng này chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Thúc đẩy dòng vốn trong và ngoài nước, đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và tỷ lệ giải ngân cao đạt 80% - 90%, đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp mua sắm công nghệ, máy móc thiết bị, khởi nghiệp phát triển theo chiều sâu và chất lượng.
"Năm 2018, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ chí Minh kiểm soát nợ xấu, tập trung bảo đảm hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thúc đẩy các giải pháp giải quyết những vấn đề tồn đọng để hạn chế những tiềm ẩn rủi ro và nâng cao năng lực hoạt động cho ngành ngân hàng thành phố. Đây là những nhiệm vụ nặng nề, nhưng Tp. Hồ Chí Minh cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện cho các tổ chứ tín dung, hệ thống ngân hàng phát triển đi vào chất lượng", ông Trần Vĩnh Tuyến, nhấn mạnh.
Để phát triển hoạt động ngân hàng bền vững, năm 2018 - năm bản lề trong việc thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng giai đoạn 2018 - 2020, đặt ra vấn đề cần quan tâm như nâng cao chất lượng tăng trưởng với đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại nợ xấu và phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đáng chú ý là đảm bảo nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quản trị điều hành chất lượng và hiệu quả hoạt động, vì đây là cơ sở cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Mặc khác, ngành ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh chú trọng đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngân hàng trong thời kỳ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hạn chế rủi ro trong quản lý tiền mặt, cho vay, thanh toán và cung ứng dịch vụ…
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, đơn vị này sẽ tập trung thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu là điều kiện quyết định chất lượng tăng trưởng và phát triển hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Cùng với đó, tăng cường đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, khai thác và sử dụng vốn hợp lý, cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn và trung hạn, hạn chế dòng vốn chảy vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng khởi nghiệp, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.

Cụ thể, tháo gỡ khó khăn về vốn và cho vay doanh nghiệp bình ổn định trường, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng công nghệ cao…/.

>>> Các ngân hàng lớn lần lượt báo lãi khủng

>>> Ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay năm 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục