"Bóng ma" chiến tranh lạnh đang trở lại? (Phần 1)

05:30' - 07/04/2018
BNEWS Giới quan sát nhận định những chính sách và động thái mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi báo hiệu một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới sẽ tái diễn.
Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) tại Geneva (Thụy Sỹ). Ảnh: THX/TTXVN

Trong bài phân tích trên trang mạng weekly.ahram.org.eg, chuyên gia Abdel-Moneim Said, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược khu vực, đề cập tới thuật ngữ "Chiến tranh Lạnh" của nhà ngoại giao và sử học Mỹ George Kennan, để diễn tả sự biến động của mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô sau giai đoạn liên minh và hợp tác trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

Sở dĩ đây là cuộc chiến tranh "lạnh" bởi một cuộc chiến tranh “nóng” không có khả năng xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô - hai cường quốc sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân đủ để phá hủy toàn bộ Trái đất.

Mặc dù “lạnh” song cuộc chiến này lại không hề “lạnh” trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và trên các diễn đàn quốc tế. Cả Mỹ và Liên Xô đều sẵn sàng gia tăng căng thẳng, theo đuổi chính sách “bên miệng hố chiến tranh” tại các khu vực Đông Âu, Trung Đông và Đông Nam Á.

Dù thuật ngữ “Chiến tranh Lạnh” chỉ xuất hiện ở giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 nhưng thực trạng tương tự đã diễn ra từ những năm 1930 của thế kỷ XX dưới hình thức các cuộc chiến bảo hộ thương mại.

Các quốc gia công nghiệp phát triển tiến hành cuộc chiến bằng cách sử dụng hàng rào thuế quan và các công cụ khác để ngăn chặn hoặc giảm lượng hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác. Hình thức “chiến tranh lạnh” này là một trong những nguyên nhân quan trọng làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ II.

Cuộc chiến này đã kết thúc khi Liên hợp quốc (UN) và các tổ chức quốc tế khác như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hay Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) ra đời và đóng vai trò giữ ổn định nền kinh tế và thị trường toàn cầu.

Một thế giới mới, nơi các hệ tư tưởng, các nền văn hóa khác nhau cùng tồn tại, xuất hiện. Đó cũng là mục tiêu của các nước thành viên tham gia các hiệp ước quốc tế thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ II. Nguyên tắc “công bằng” và “công nhận, tôn trọng lẫn nhau” trở thành giá trị phổ quát.

Khi quá trình toàn cầu hóa trở nên phổ biến sau khi các hàng rào về kinh tế, kỹ thuật và hệ tư tưởng ngăn cách các quốc gia với nhau sụp đổ, cộng đồng quốc tế tiến tới giai đoạn “tự do” cả về thị trường, việc theo đuổi đức tin, hệ tư tưởng và được hưởng các quyền cơ bản của con người.

Tuy nhiên, khi Tòa tháp đôi thuộc Trung tâm thương mại thế giới ở New York (Mỹ) bị đánh sập vào ngày 11/9/2001, thế giới lý tưởng nói trên cũng đã tan theo.

Chủ nghĩa khủng bố cùng với sự gia tăng “va chạm của các nền văn minh”, hố sâu ngăn cách giàu nghèo trên thế giới đã làm thay đổi xu hướng cùng tồn tại và sự dịch chuyển tự do của hàng hóa, tự do đi lại của người dân, tự do theo đuổi các hệ tư tưởng giữa các quốc gia với nhau.

Một thế giới khác xuất hiện với đầy rẫy nghi ngờ và sợ hãi. Xuất hiện sự đối lập sâu sắc giữa một bên là các thể chế kinh tế, kỹ thuật với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ giữa con người với nhau với một bên là sự lo sợ, phản đối đối với tiến trình này.

Cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, các giá trị đối lập với quá trình toàn cầu hòa được gìn giữ ở các nền văn hóa và văn minh. Nhiều giá trị trong số này khiến thế giới Hồi giáo trở nên đối lập với phần còn lại của thế giới.

Trong thế giới Hồi giáo, các cuộc “chiến tranh nóng” nổ ra ở Afghanistan sau đó lan sang toàn bộ thế giới Arập trong giai đoạn “Mùa Xuân A-rập”. Trên thế giới, các cuộc chiến tranh, từ “nóng” cho tới “lạnh” lan từ Ukraine sang các phần khác của thế giới khi các cuộc xung đột cũ bùng phát trở lại cùng với các cuộc xung đột mới được khơi mào.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục